ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ VÀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀO CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2024

08/05/2024

Sáng 8/5, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 22, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 22 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Trường Giang, Ngô Trung Thành, Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan. Các thành viên khác của Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành (Luật số 69/2014/QH13), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chỉ rõ: tên, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật số 69/2014/QH13 chưa đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo ra những khoảng trống về pháp lý, việc tổ chức thực hiện không đảm bảo thống nhất; việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xuyên suốt, dẫn tới còn cách hiểu khác nhau trong triển khai thực hiện; việc đổi mới cơ bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ

Việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ; việc đầu tư vốn nhà nước (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt; một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập trong thực tiễn; một số chính sách đặc thù liên quan đến quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phân tán, chưa tập trung trong Luật; các nội dung quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước là cơ quan chuyên trách chưa được quy định trong Luật (do Luật số 69/2014/QH13 được ban hành trước khi Uỷ ban quản lý vốn nhà nước được thành lập);...

Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp với 06 nhóm chính sách: Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Về quản trị doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên trao đổi về ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Chính phủ đề nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật mới để sửa đổi toàn diện và thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả của nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng tán thành việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, sửa đổi toàn diện và thay thế Luật 69/2014/QH13, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội hàm các chính sách, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp bổ sung đánh giá tác động của chính sách; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về từng nội dung cụ thể trong các nhóm chính sách, thể hiện nhất quán các nội dung chính sách được đề xuất trong các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm sự đồng bộ giữa nội dung chính sách với các luật hiện hành (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí…) và một số luật mới được Quốc hội thông qua, như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với sự cần thiết bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình năm 2024; thống nhất về tiến độ và thời gian trình dự án Luật như phương án Chính phủ trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu tại phiên họp

Thời gian qua, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã đồng hành cùng Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo đã cầu thị, nghiêm túc, tích cực trong quá trình xây dựng dự án luật, hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản thống nhất về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và việc thay đổi tên gọi; đồng thời lưu ý khi dự án Luật được ban hành để thay thế Luật số 69/2014/QH13 thì phạm vi tác động là rất lớn, do đó cần tiếp tục quan tâm làm rõ các tác động đối với các chủ thể.

Kết luận nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Chính phủ trong việc hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; tán thành cao sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; thực hiện nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án Luật này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhà nước mà cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để kịp thời gửi các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Đại diện các cơ quan hữu quan cùng dự phiên họp

Các đại biểu, khách mời cùng dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành trao đổi tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức