DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI): CẦN NHIỀU CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI DÂN THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

18/05/2024

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), các đại biểu và chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH, đồng thời cần có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện), nhất là tăng cường các quyền lợi, lợi ích cho người tham gia.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, một số cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp thu, giải trình, chính lý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 142 Điều (tăng 6 điều).

Cần quy định lộ trình để tất cả lao động đều phải tham gia BHXH

Nhiều ý kiến quan tâm đến Điều 3 của dự thảo Luật quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, dự thảo đã quy định chi tiết và bao phủ đầy đủ các đối tượng, tuy nhiên mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là mở rộng đối tương tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội 

Trước hết phải quan tâm khuyển khích và có chính sách để 02 nhóm hộ kinh doanh: (1) Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh; (2) Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.

Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.

Vì vậy, quan điểm của TS. Bùi Sỹ Lợi là dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường. Từng bước chuyển dần thu BHXH qua thuế và công nghệ thông tin, như chương trình VSSID mà ngành BHXH đang thực hiện. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện BHXH số, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng, tạo minh bạch, công khai và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đề xuất nhóm đối tượng lao động công nghệ tham gia BHXH bắt buộc

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Quan tâm đến khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật, đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu rõ, dự thảo Luật quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác thu nhập ổn định, thường xuyên do UBTVQH quyết định, phù hợp với các đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, nhóm đối tượng lao động công nghệ như grab, shipper, bán hàng online chiếm số đông và có thu nhập ổn định, thậm chí cao hơn lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp, nhưng hiện Chính phủ chưa có giải pháp kịp thời để đưa các đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó dự thảo Luật giao cho UBTVQH quyết định là chưa phù hợp. Vì vậy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cần nêu rõ tại khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật như sau: có lộ trình cụ thể đến năm 2026 áp dụng BHXH bắt buộc đối với nhóm lao động công nghệ (như grab, shipper, bán hàng online) và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này sẽ phù hợp hơn.

Cần nhiều cơ chế khuyến khích người dân tham gia BHXH

Bày tỏ quan điểm về nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần có nhiều cơ chế khuyến khích người dân tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện). Để phát triển chính sách BHXH hiện nay, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, không nên tiếp cận từ góc độ quy định đối tượng tham gia bắt buộc mà nên có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, đặc biệt cần tăng cường chính sách bảo đảm quyền lợi, lợi ích cho người tham gia BHXH tự nguyện (thay vì chúng ta tiếp cận từ việc mở rộng đối tượng bắt buộc để họ tham gia). Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nhận thấy, chính sách đóng bảo hiểm của nước ta hiện nay là chính sách dài hơi, vì vậy việc sửa đổi luật liên quan đến bảo hiểm xã hội cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc thay đổi khiến người lao động không an tâm tham gia BHXH khi thay đổi chính sách thường xuyên. Do vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần cân nhắc kỹ vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng nên ưu tiên chính sách BHXH cho lao động dân tộc thiểu số bằng cách giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu. Tức là hỗ trợ một phần cho người dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời có thể hỗ trợ cho người sử dụng lao động mà họ sử dụng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. “Ví dụ 50% lực lượng lao động của họ là người dân tộc thiểu số thì chúng ta cần hỗ trợ cho họ việc đóng bảo hiểm, có chính sách khuyến khích cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia”, đại biểu nêu ví dụ.

TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập

Đồng quan điểm nêu trên, TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập nhấn mạnh, việc có chính sách BHXH phù hợp đối với lao động dân tộc thiểu số là cần thiết. TS. Phạm Thái Hưng đề xuất bổ sung một điều về chính sách BHXH phù hợp với đặc thù của lao động dân tộc thiểu số. Trong đó hỗ trợ tham gia BHXH bắt buộc (qua người sử dụng lao động, như cách tiếp cận hiện nay của Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 64/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng mở rộng đối tượng). Đồng thời có chính sách hỗ trợ (dưới dạng hỗ trợ một phần, hỗ trợ có điều kiện) tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với đối tượng lao động dân tộc thiểu số đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc để khuyến khích tham gia BHXH liên tục, “ở lại” thị trường lao động chính thức. Ngoài ra, TS. Phạm Thái Hưng đề nghị cân nhắc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu cho lao động dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW (về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm). Bên cạnh đó, có chính sách truyền thông về BHXH cho lao động dân tộc thiểu số nói riêng và lao động nông thôn nói chung./.

Bích Ngọc