XÂY DỰNG LUẬT ĐƯỜNG BỘ: KHÔNG NÊN QUÁ QUY ĐỊNH CHI TIẾT TỶ LỆ ĐẤT DÀNH CHO KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ

22/05/2024

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 7 lần này sau khi được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng. Quan tâm tới quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông cho đô thị cải tạo, đô thị nâng loại; đồng thời đề nghị không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị để bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự luật này là vấn đề tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị quy định tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật quy định " Tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định sau đây: a) Đô thị loại đặc biệt: 18% đến 26%; b) Đô thị loại I: 16 % đến 24%; c) Đô thị loại II: 15% đến 22%; d) Đô thị loại III: 13% đến 19%; đ) Đô thị loại IV: 12% đến 17%; e) Đô thị loại V: 11% đến 16%.".

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết, dự thảo Luật đang quy định tỷ lệ ngưỡng tối thiểu và ngưỡng tối đa đối với quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau: "Tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông hồ phải đảm bảo các quy định sau đây: a) Đô thị loại đặc biệt từ 18% trở lên; b) Đô thị loại 1 từ 16% trở lên; c) Đô thị loại 2 từ 15% trở lên; d) Đô thị loại 4 từ 13% trở lên; đ) Đô thị loại 4 từ 12% trở lên; e) Đô thị loại 5 từ 11% trở lên."

Lý giải về đề xuất trên, đại biểu nêu rõ, căn cứ Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, ngưỡng tối thiểu đủ điểm để đánh giá đối với đô thị chỉ cần đạt, không nhất thiết phải quy định khoảng giới hạn phía trên. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ tính đến tỷ lệ quy định cho các đô thị được xây dựng mới, còn đối với đô thị cải tạo, nâng loại chưa được đề cập, do đó cần có quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông cho đô thị cải tạo, đô thị nâng loại.

Ngoài ra, đặt vấn đề trong trường hợp đô thị được nâng cấp từ đô thị loại thấp lên đô thị loại cao thì tỷ lệ quỹ đất được tính như thế nào, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về tỷ lệ đất giao thông đảm bảo phù hợp khi đô thị được nâng loại, đảm bảo tỷ lệ quỹ đất giao thông phù hợp với loại đô thị được nâng cấp.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội

Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật quá chi tiết, có những nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay cũng như có những nội dung sẽ không phù hợp với xu thế phát triển của đô thị trong tương lai. Điều 42 Luật Giao thông đường bộ quy định về việc dành tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị từ 16 đến 26%, nội dung này được cụ thể hóa tại Nghị định số 11 năm 2010 của Chính phủ nhưng chỉ áp dụng với các đô thị xây dựng mới, dù vậy nhiều nội dung quy định cụ thể cho đến nay vẫn được xem là không có tính khả thi.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11% đến 16% vào năm 2025, mức 16% đến 26% là mức để phấn đấu thực hiện vào năm 2030. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có điều chỉnh đối với quy định về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, nhóm tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị với mức đã được điều chỉnh tương tự như mức dự kiến quy định trong dự thảo Luật.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, đây là mức thực hiện việc đánh giá phân loại đô thị đối với những đô thị mới thành lập hoặc thuộc trường hợp cần phải thực hiện phân loại, đánh giá lại đô thị chứ không phải mức tất cả các đô thị đều phải đạt ở thời điểm hiện nay. Như vậy, quyết định cứng về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo Luật để áp dụng ngay cho tất cả các đô thị, bao gồm cả đô thị hiện hữu và đô thị hình thành mới mà không kèm theo các chế tài hay các biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ không khả thi.

Mặt khác, với việc đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển đường đô thị ngày càng đắt đỏ cùng những khó khăn trong việc thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông như hiện nay thì các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng cứ xây mới hay mở rộng đường trong nội thành, nội thị mà cần chú trọng hơn đến các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay có gần 10 tỉnh, thành phố dự kiến quy hoạch xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, bao gồm cả tàu chạy ngầm và tàu trên cao. Khi giao thông công cộng, đường sắt đô thị được phát triển, khai thác đồng bộ, hiệu quả thì diện tích đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị không nhất thiết phải giữ ở mức cao như hiện nay mà có thể sử dụng cho mục đích khác cần thiết và có hiệu quả hơn. Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị, chỉ nên quy định phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị của loại đô thị tương ứng để bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật./.

Minh Thành