UỶ BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

24/05/2024

Chiều ngày 24/5, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 23 để thẩm tra đề nghị bổ sung các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 22 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, các Ủy viên Thường trực, Uỷ viên Chuyên trách, các thành viên Ủy ban Pháp luật cùng đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội.

Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và đại diện một số bộ, ngành liên quan.       

Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực ngày 01/01/2025. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, giải quyết những vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 theo hướng quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội trên thực tế cũng như đáp ứng yêu cầu thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hết sức cấp thiết tại một số đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... cần sớm đưa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, để bảo đảm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực đồng thời, thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, tránh phát sinh vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 theo hướng quy định Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Pháp luật ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, tích cực, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đưa Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống. Các đại biểu nêu rõ, các luật trên đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, khắc phục hạn chế, vướng mắc của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này; có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Việc 3 Luật này có hiệu lực và sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi xem xét thông qua.

Do đó, để có đầy đủ cơ sở trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cũng như cho phép 3 luật này có hiệu lực thi hành sớm hơn 06 tháng, các ý kiến đề nghị cần đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng hơn nữa về các tác động chính sách, nhất là tác động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, liệu có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp hay không cũng như mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành luật, nhất là về công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật của các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương theo trách nhiệm được Quốc hội giao tại 3 luật.

Có ý kiến cho rằng, Quốc hội chỉ ban hành Nghị quyết để “tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội ...”, không điều chỉnh về việc quy định hiệu lực thi hành sớm của luật. Do đó, để bảo đảm đồng bộ về hình thức giữa văn bản gốc và văn bản được sửa đổi, bổ sung cũng như bảo đảm thuận lợi trong hợp nhất văn bản sau khi được sửa đổi, bổ sung thì phải ban hành luật để sửa đổi, bổ sung luật. Cùng với đó đề nghị cần làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Mặt khác, có ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 là vấn đề lớn, quan trọng, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy mới chỉ có 6 địa phương gửi ý kiến đối với việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực của các Luật này. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Chính phủ và các bộ liên quan đã rất tích cực, khẩn trương trong việc triển khai 3 luật; các nghị định, thông tư đã được xây dựng sớm hơn rất nhiều so với tiến độ đề ra. Nếu có thể rút ngắn thời gian để các chính sách mới sớm đi vào cuộc sống sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc ở các địa phương, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn trong hồ sơ dự thảo các Nghị quyết về sự cần thiết, cấp thiết và lợi ích mang lại nếu 3 luật này có hiệu lực sớm hơn 6 tháng. Đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong đó cần đánh giá tác động toàn diện, làm rõ tác động tới kinh tế - xã hội nếu 3 luật trên có hiệu lực sớm hơn; đánh giá rõ hơn về tình hình ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết của các bộ, ngành cũng như tình hình ban hành văn bản tại các địa phương...

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Ủy ban Hoàng Thanh Tùng đề nghị hồ sơ của Chính phủ cần gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất vào ngày 27/5 tới để kịp thời xem xét trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 30/5 theo Chương trình kỳ họp thứ 7 đã được Quốc hội quyết định./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An

Các thành viên Uỷ ban Pháp luật thảo luận tại Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung Phiên họp

Minh Thành