BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO THIẾT KẾ XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRONG BỐI CẢNH ĐẶC THÙ

26/05/2024

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Các đại biểu Quốc hội khẳng định ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết đặt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc đề xuất, xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù, nhất là trong những bối cảnh đặc thù.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/05: QUỐC HỘI GIÁM SÁT TỐI CAO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15 VỀ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH, MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/05: QUỐC HỘI GIÁM SÁT TỐI CAO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15 VỀ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH, MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Phiên họp toàn thể hội trường của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát và nỗ lực của Đoàn giám sát, sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để Đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả giám sát cơ bản đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất Nghị quyết 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng và phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các nghị quyết về dự án quan trọng quốc gia đã cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường liên kết vùng, nội vùng, tạo động lực, sức lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, các vùng trong cả nước và mở rộng đầu tư thu hút vốn trong nước và quốc tế.

Bằng kinh nghiệm công tác của mình ở các bộ, ngành, địa phương và từ thực tiễn, từ lắng nghe ý kiến của cử tri, Nhân dân, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đã tập trung phân tích kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết, đồng thời đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả, hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế - xã hội do các yếu tố khách quan.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Bày tỏ trân trọng những kết quả đạt được, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ tin tưởng với những bài học đã đúc rút được thì chặng đường tiếp theo sẽ làm tốt hơn. Đại biểu chia sẻ, nhìn lại chặng đường 2,5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 đã cho thấy được sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng của mỗi người dân, doanh nghiệp. Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận và rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh nhìn nhận kết quả đạt được, việc rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo là hết sức cần thiết và cũng là để trả lời cho câu hỏi: "Trong tương lai nếu như một lần nữa dịch bệnh xảy ra thì liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như chúng ta đã áp dụng hay không? Liệu chúng ta có tổ chức thực hiện như cách chúng ta đã tổ chức thực hiện hay không?", đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, "có những điều chúng ta có thể làm tốt hơn". Đại biểu chỉ rõ, thứ nhất, về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng nhất xuyên suốt nghị quyết. Trong bối cảnh dịch bệnh, nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đến ngày hôm nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành. Điều này cũng làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Thứ hai, về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống. Không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì.

Thứ ba, về cách đánh giá hiệu quả của toàn bộ chương trình để thấy được tính hiệu quả một cách chính xác, cần làm phép so sánh giữa tất cả nguồn lực bỏ ra và kết quả mang lại, bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực con người, bao gồm kết quả vô hình và kết quả hữu hình.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, qua giám sát đã cho thấy nhiều chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 phát huy tác dụng tốt, có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi. Cùng với đó, có những chính sách có nhiều địa phương làm rất tốt nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng. Do đó nếu nhân rộng các chính sách đặc thù cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương; quy định rõ hơn về trách nhiệm đi đôi với quyền hạn được giao, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Trong phát biểu của mình, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định một lần nữa khẳng định, trong giai đoạn khó khăn của đất nước, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực để có các quyết sách giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Giai đoạn khó khăn đã qua đi, tuy nhiên việc đánh giá, rút kinh nghiệm là rất cần thiết trong quá trình Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, ban hành các quyết sách và chính sách.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị những vấn đề như quy trình ban hành chính sách trong giai đoạn đặc biệt, có tính đặc thù thì việc đánh giá tác động chính sách, sự tương thích nguồn lực đảm bảo, việc điều chỉnh chuyển nguồn, chuyển công năng sử dụng khi không còn phù hợp trong thời điểm cần được Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rút kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách, quyết sách, từ đó có tổng kết để luật hóa một số nội dung, nhất là các quy định pháp luật liên quan khi áp dụng cơ chế chính sách đặc thù có hiệu quả tốt.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 cần xem xét trong bối cảnh một chính sách mới và trong hoàn cảnh đặc biệt, kết quả đạt được chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, kết quả đạt được ở mức độ kỳ vọng cao là tốt nhưng cũng có thể có những chính sách không đạt được kỳ vọng mức độ cao.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Chia sẻ, có chung quan điểm với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng nếu như quá trình xử lý chính sách tốt sẽ tăng được hiệu quả, kết quả của các chính sách và hạn chế những phần không thực hiện được.

Đại biểu cho rằng, hướng đến giai đoạn tiếp theo, cần phải đánh giá bài học kinh nghiệm, cần phải có quy định về cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù trong việc giải quyết những vấn đề đặc thù trong tình huống đặc biệt. Cần quy định rõ cả về quy trình xây dựng thủ tục chính sách, đến nội dung chính sách.

Tâm đắc với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, với tư cách là thành viên Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong bối cảnh phức tạp, chưa có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn là điều dễ hiểu, nhưng điều quan trọng là rút ra được kinh nghiệm gì về cách thức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để đơn giản và cho tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đến thật nhanh với doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 43/2022/QH15, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ thời điểm xây dựng Nghị quyết 43/2022/QH15 tình hình kinh tế nước ta vô cùng khó khăn, đứt gãy các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp, người lao động, người dân vô cùng khó khăn…Đòi hỏi cấp bách đặt ra là phải có một gói chính sách đủ lớn để hỗ trợ cho nền kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động, chống đứt gãy và dần giữ ổn định, phục hồi dần và tăng trưởng trở lại. Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nghị quyết.

Mặt khác, đây cũng là việc làm chưa từng có tiền lệ, các chính sách phải được xây dựng nhanh, cấp bách, đảm bảo hiệu quả và đảm bảo được mục tiêu của chương trình; đúng được quy định của pháp luật và nhất là không để trục lợi, thất thoát, lãng phí. Thời gian xây dựng chương trình và thực hiện chương trình ngắn. Các chương trình lần đầu tiên thực hiện với quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đó, những kết quả đạt về tổng thể đạt được yêu cầu. Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; việc làm, đời sống cho người dân dẫn cải thiện; hạ tầng giao thông phát triển;  doanh nghiệp giữ được các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và dần dần phục hồi. Nhưng kết quả lớn hơn chính là bài học kinh nghiệm quý báu để khi gặp phải tình huống tương tự, bất kể ở chừng mực nào thì phản ứng chính sách sẽ phải nhanh, cách tiếp cận xây dựng chính sách phải hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Bảo Yến

Các bài viết khác