QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050

20/06/2024

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 20/6 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

BẢO ĐẢM NGUYÊN TẮC QUY HOẠCH THỦ ĐÔ LÀ CĂN CỨ ĐỂ LẬP ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI VÀ ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.​

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội xác định rõ 5 vùng đô thị Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại,” xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Các đại biểu dự phiên họp sáng 20/6.

Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Quy hoạch Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn dự phiên họp.

Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, Hà Nội sẽ là Thành phố “ Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”, Trung tâm động lực thúc đẩy pháy triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, thành phố kết nối toàn cầu.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã điều chỉnh các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, điều chỉnh dự báo phát triển, kế thừa và điều chỉnh mô hình cấu trúc đô thị; Kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn; Điều chỉnh bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh. Cải tạo và tái thiết đô thị, nông thôn. Theo đó, Thành phố Hà Nội cũng đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm như phát triển liên kết vùng, phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát triển vị trí hai bên sông Hồng như biểu tượng phát triển thủ đô, áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”, phát triển Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; thực hiện chiến lược hàng lang xanh, cải thiên môi trường, hành động thực hiện quy hoạch.

Quốc hội xem videoclip về Quy hoạch Thủ đô.

Từ đó, Thủ đô Hà Nội sẽ định hướng phát triển không gian theo mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế, tạo động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Các trung tâm cấp quốc gia tại phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng Quốc tế tại phía bắc sông Hồng; Trung tâm Chính trị, hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm thành phố Hà Nội tại khu vực Hồ Gươm; phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển lan toả vùng và Quốc gia…

Công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao và cho rằng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi đây là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh: “Đây là 2 văn bản rất trí tuệ, trách nhiệm và chất chứa nhiều khát vọng của nhân dân, của Thủ đô. Các đồ án quy hoạch có cách nhìn, cách viết rất tốt”.

Góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể, đại biểu đoàn Hà Nội thể hiện sự ấn tượng về phương án phát triển trục sông  Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô. Đại biểu cũng đồng tình với các định hướng, giải pháp thành phố đưa ra trong cải tạo chung cư cũ, đặc biệt cấp thiết trong tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng hiện nay, hay giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải. Về quy hoạch đô thị, đại biểu  đề xuất việc lập các đồ án quy hoạch mới là cơ hội để thành phố thay đổi, hạn chế việc phát triển nhà ống; không phát triển nhà cao tầng trong nội đô.

Với quy hoạch hệ thống y tế Thủ đô, theo đại biểu, cần thấy được rằng đây là quy hoạch không chỉ cho Thủ đô mà cho vùng miền, cho cả quốc gia vì hầu hết bệnh viện lớn đầu ngành nằm tập trung ở đây. Các bệnh viện lớn, đặc biệt chuyên khoa nên tập trung cao độ, nên có trung tâm y khoa, viện chuyên khoa…

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với các nội dung lập quy hoạch, như căn cứ lập quy hoạch, về quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực khác,.. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tập trung làm rõ thêm về nội dung, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội. Đồng thời cần bổ sung báo cáo đánh giá sau 12 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội để từ đó thấy được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô; thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát vào Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng quy hoạch chung mới được điều chỉnh lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô là 2 nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo hai nhiệm vụ quy hoạch tuân thủ Luật quy hoạch, phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới, toàn cầu, Thủ đô và hành động Hà Nội tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại cả trước mắt và lâu dài. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa hai nhiệm vụ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, tương thích với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Rà soát, hoàn thiện thêm các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên, tính thống nhất, đồng bộ của số liệu, hồ sơ, tài liệu trong hai nhiệm vụ quy hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội làm cơ sở, căn cứ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065./.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

 

Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đoàn Chủ tịch chủ trì phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình ý kiến ĐBQH tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức - Phạm Thắng