QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN
Toàn cảnh Phiên họp
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 20/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 874/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Về lưu trữ tài liệu điện tử (Mục 3 Chương III, từ Điều 31 đến Điều 37), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định cụ thể về tài liệu điện tử cần lưu trữ của ngành, lĩnh vực; bổ sung quy định xác định chủ thể được tiếp cận tài liệu điện tử. UBTVQH xin báo cáo như sau: cũng như đối với tài liệu giấy, tài liệu điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức cần được đánh giá để xác định những tài liệu có giá trị lưu trữ, tài liệu không có giá trị lưu trữ. Nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử đã được quy định cụ thể tại Mục 1 và Mục 3 Chương III của dự thảo Luật, gồm các nội dung về xác định giá trị tài liệu; thời hạn lưu trữ; hồ sơ, tài liệu nộp vào lưu trữ; cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; việc quản lý, sử dụng, khai thác thông tin trong tài liệu lưu trữ… Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 15 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung nội dung giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định cụ thể danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức (bao gồm tài liệu lưu trữ điện tử).
Về việc tiếp cận tài liệu lưu trữ là tài liệu điện tử, dự thảo Luật đã có quy định về tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 25), quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 26) áp dụng cả đối với tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ điện tử. Việc xác định chủ thể và thông tin được tiếp cận trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật có liên quan, do đó đã bao hàm nội dung ĐBQH đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Về đề nghị tích hợp tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính, theo đó những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thì cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân, UBTVQH nhất trí với ý kiến của ĐBQH và nhận thấy, thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều tài liệu liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bao gồm các tài liệu thuộc lưu trữ hiện hành đều được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức và mọi người đều có thể tiếp cận. Điều 42 của dự thảo Luật đã quy định lưu trữ lịch sử, cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ có trách nhiệm công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đã đáp ứng yêu cầu như đề nghị của ĐBQH.
Đối với đề nghị chỉnh lý khoản 3 Điều 32 cho cô đọng hơn bằng cách sử dụng các thuật ngữ “thông điệp dữ liệu”, “phương tiện điện tử” đã được giải thích trong Luật Giao dịch điện tử; trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát với các quy định có liên quan của Luật Giao dịch điện tử và nhận thấy, quy định tại khoản 3 Điều 32 của dự thảo Luật là phù hợp, bảo đảm tính cụ thể, dễ hiểu, thuận tiện cho quá trình triển khai thi hành Luật do không cần viện dẫn đến các quy định giải thích từ ngữ của Luật Giao dịch điện tử.
Có ý kiến đề nghị sửa khoản 6 Điều 36 không quy định cụ thể Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thống nhất với khoản 3 Điều 6 của Luật Cơ yếu, UBTVQH nhận thấy, ý kiến của ĐBQH là xác đáng, do đó xin tiếp thu, chỉnh lý khoản 6 Điều 36 như thể hiện trong dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Chương VI, từ Điều 53 đến Điều 56), có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng. UBTVQH xin báo cáo như sau: hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ. Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp.
Có ý kiến đề nghị sửa điểm b khoản 1 Điều 53 thành “kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số” để tương thích về nội hàm giữa tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số. UBTVQH xin báo cáo như sau: theo quy định tại khoản 12 Điều 2 của dự thảo Luật, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ là tập hợp các dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử. Cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ bao gồm cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ giấy, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ trên vật mang tin khác và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, giải tình một số nội dung khác. Trong đó, tài liệu lưu trữ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lưu trữ nên việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, trong đó có hoạt động bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phải tuân thủ quy định của Luật Lưu trữ; trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ, còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan như quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật là phù hợp.
Về bản sao tài liệu lưu trữ để thống nhất với quy định về bản sao tại Luật Di sản văn hóa, mặc dù cùng sử dụng thuật ngữ “bản sao”, nhưng bản sao tài liệu lưu trữ “là bản chụp, in, số hóa, trích xuất nguyên văn toàn bộ hoặc một phần nội dung thông tin từ tài liệu lưu trữ” (khoản 6 Điều 2 của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)) có nội hàm khác với bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia “là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí, những đặc điểm khác và có dấu hiệu riêng để phân biệt với bản gốc” (khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7). Mục đích, giá trị sử dụng của bản sao được quy định tại 02 luật cũng khác nhau, do đó không thể đồng nhất khái niệm này trong 02 luật.
Đối với ý kiến đề nghị nghiên cứu không quy định tiêu chí tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt tại dự thảo Luật (Điều 38) mà giao quy định trong văn bản dưới luật để có thể linh hoạt điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. UBTVQH xin báo cáo như sau: Luật Lưu trữ năm 2011 đã quy định tiêu chí đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Các tiêu chí để xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định về tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Luật Lưu trữ năm 2011. Vì vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định này để bảo đảm tính cụ thể của Luật, hạn chế ban hành văn bản quy định chi tiết.
Về đề nghị rà soát các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, các luật khác và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, Luật Di sản văn hóa và các luật khác có liên quan như đã báo cáo cụ thể tại các mục nêu trên.
Ngoài các nội dung nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chính phủ tại Văn bản số 236/CP-PL ngày 16/5/2024 để chỉnh lý quy định tại điểm c khoản 3 Điều 59 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trong việc lập danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn thuộc phạm vi quản lý, trừ tài liệu chứa bí mật nhà nước và hằng năm cập nhật, gửi Bộ Nội vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 08 chương 65 điều.