QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

29/06/2024

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 29/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2025

Toàn cảnh Phiên họp

Điều hành nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Phiên họp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy: có 467/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,09%). Như vậy, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm 03 Điều, trong đó quyết nghị: Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu.

Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 899/BC-UBTVQH15 Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

UBTVQH xin tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, thể hiện các nội dung đánh giá khái quát về kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và rút kinh nghiệm trong công tác đánh giá thực tiễn, phân tích, dự báo tác động của các giải pháp; trong đề xuất ban hành chính sách và triển khai tổ chức thực hiện chính sách.

UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, thể hiện nội dung này tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư... Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Về đề nghị xem xét việc tiếp tục giảm thuế suất thuế GTGT 2% vì tình hình sản xuất của doanh nghiệp, người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.

UBTVQH xin báo cáo như sau: qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT 2% trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực; nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của chính sách. Từ kết quả thực tiễn, Chính phủ đã trình và Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và nội dung này được Quốc hội xem xét và thể hiện tại Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua nhà, thuê mua nhà theo chính sách về nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch, ổn định đời sống và phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

UBTVQH xin báo cáo như sau: qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả cao và cần nghiên cứu, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện. Theo quy định hiện hành, các chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hết thời gian thực hiện và kết thúc từ 31/12/2023. Việc tiếp tục triển khai cần được đánh giá và có giải pháp tổng thể, hài hòa, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và khả năng đáp ứng của nguồn lực. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định giải pháp về nội dung này tại điểm c khoản 1 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch thì Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và chủ động quyết định các giải pháp tổ chức thực hiện dự án, không nhất thiết phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài để giảm thủ tục trong triển khai thực hiện. UBTVQH xin báo cáo như sau: đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, việc chủ động quyết định, tổ chức thực hiện các giải pháp để sử dụng nguồn vốn hiệu quả theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, địa phương. Tuy nhiên, trường hợp phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sau thời hạn 31/12/2024 theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 liên quan đến dự toán NSNN hằng năm theo quy định của Hiến pháp, Luật NSNN, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền. Vì vậy, UBTVQH xin thể hiện như dự thảo Nghị quyết để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội.

UBTVQH xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ khẩn trương ban hành quy chuẩn, định mức sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; ban hành giá vật liệu xây dựng kịp thời, phù hợp với thực tế thị trường; quan tâm ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường trong thực hiện dự án, giảm tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, đời sống người dân tại khu vực có dự án đi qua.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào Nghị quyết giám sát đối với dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, cho phép các nhà đầu tư trong nước được liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư trong nước sẽ là đơn vị đứng đầu liên doanh để thực hiện dự án. UBTVQH xin báo cáo như sau: tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2024 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã quy định Dự án thành phần 3 (dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP) được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Đến nay, Chính phủ đang chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện. Do vậy, trường hợp điều chỉnh nội dung này cần thực hiện theo trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị không nên tách riêng 2 nội dung: việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết về các dự án quan trọng quốc gia vì có nhiều nội dung trùng lặp. UBTVQH xin báo cáo như sau: Chuyên đề giám sát của Quốc hội bao gồm 02 nội dung chính, trong đó đối với Nghị quyết 43/2022/QH15, hầu hết các chính sách đã hết thời gian thực hiện; trong khi các dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, giữa 02 nội dung có một số điểm chung và nhiều nội dung khác biệt. Vì vậy, xin được thể hiện rõ thành 2 mục để thuận tiện trong công tác theo dõi, đánh giá, triển khai thực hiện các giải pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã rà soát để tránh trùng lặp và nêu rõ các giải pháp để phù hợp với từng nội dung.

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức