CÒN KHÓ KHĂN TRONG THU HÚT NHÂN TÀI VÀ GIỮ CHÂN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

03/07/2024

Qua làm việc với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 đã nêu một số tồn tại, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khó khăn trong "giữ chân" nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ PHỤ TRÁCH LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VỀ ĐỔI MỚI TỔ CHỨC CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Việt Nam

Sau khi làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, dự kiến tại Phiên họp tháng 8/2024, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 9 địa phương, 16 bộ, ngành, đơn vị và 9 địa phương nhằm đánh giá rõ tình hình sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị Quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật của Nhà nước trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2023.

Qua giám sát cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chính sách thu hút nhân tài tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị thông tin thêm để Đoàn giám sát tổng hợp trong báo cáo kết quả giám sát, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cũng như cơ chế, chính sách không còn phù hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, công nghệ thông tin phản ánh các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực này. Đoàn giám sát đề nghị các Bộ cung cấp thêm thông tin làm rõ về việc thực hiện, áp dụng chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực do các Bộ quản lý; cung cấp kết quả của việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài.

Trong báo cáo của các Bộ, đơn vị gửi Đoàn giám sát có nêu một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức đó là thực hiện đánh giá hàng quý và hàng năm theo quy định. Tuy nhiên, không nêu rõ kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất cụ thể…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, từ thời điểm được tự chủ, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Trong đó, các trường đại học chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số hoặc thuê dịch vụ bên ngoài, nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy. Bên cạnh đó, các trường đại học đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới…

Để thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Sau khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được ban hành, công tác đào tạo sư phạm đã có chuyển biến tích cực, thu hút nhiều sinh viên tốt, sinh viên có chất lượng vào học ngành sư phạm.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề thu hút và “giữ chân” đội ngũ nhà giáo đối với một số ngành, lĩnh vực đang gặp khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu Chính phủ trong xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó tiếp tục kiến nghị nhà giáo được xếp trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp ở bậc cao nhất. Điều này cũng phù với Nghị Quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, thời gian qua, Bộ luôn quan tâm đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Về cơ bản, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tiến hành phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%. Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tinh gọn lao động gián tiếp…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, còn một số vấn đề vướng mắc trong cải thiện nguồn nhân lực, nhất là vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần kết hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải quyết nhiều vướng mắc hiện nay về mặt pháp lý để có nguồn nhân lực tốt, sự phát triển đồng đều các ngành nghề, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường đào tạo bảo đảm được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương khẳng định, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất nghiêm túc và nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Nghị Quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ: Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đặc biệt là kết quả sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, nhằm đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ và trực thuộc Bộ.

Về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, việc phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65%... Để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tổng thể các giải pháp như: Thực hiện đánh giá hàng quý theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và hàng năm theo quy định của pháp luật. Thực hiện tập sự cấp phó đơn vị, phòng, ban theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng, ngoại ngữ…

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng nêu những khó khăn trong việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành. Trong đó, các lĩnh vực công nghệ số, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… là những lĩnh vực tương đối đặc thù. Mức lương hiện nay của công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước rất thấp so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức lương của lao động mới ra trường đi làm ở bên doanh nghiệp ngoài nhà nước; chưa kể tốc độ tăng lương tại cơ quan nhà nước không thể theo kịp với các công ty tư nhân.

 “Thực tế làm việc tại một số địa phương, một số đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương phản ánh, lương của tập thể giám đốc và 3 đồng chí phó giám đốc cộng lại không bằng lương của giám đốc viễn thông tỉnh”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói.

Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên kiến nghị với Bộ Nội vụ về vấn đề tiền lương cho công chức công nghệ thông tin, an toàn thông tin, công nghệ số hiện nay, nhưng có lẽ đây là một vấn đề khó khăn cần thêm thời gian để giải quyết.

Lan Hương