NGUYÊN PHÓ THỦ TƯỚNG LÀO SOMSAVATH LENGSAVATH: TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN LÀ SỰ MẤT MÁT TO LỚN
DẤU ẤN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRONG SUY NGHĨ CỦA CÁC CHÍNH TRỊ GIA THẾ GIỚI
ĐIỆN, THƯ, THÔNG ĐIỆP CHIA BUỒN TỔNG BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận bức trướng kỷ niệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Tạp chí tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Tạp chí Lý luận của Đảng ra số đầu tiên và 40 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu kỳ (15/12/1930 - 15/12/1995). Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN
Nhân cách và lối sống giản dị
Xúc động nhớ lại những kỷ niệm về đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Vũ Lân kể: "Tôi về Tạp chí Cộng sản năm 1977, anh Trọng học Đại học Tổng hợp khoa Ngữ văn rồi về Tạp chí năm 1967, trước tôi 10 năm.
Chúng tôi ở cùng khu tập thể Tạp chí Cộng sản tại 16 Nguyễn Thượng Hiền. Gia đình anh Trọng ở tầng 3, còn tôi ở tầng 2. Lúc đó gia đình anh Trọng có mẹ anh, vợ chồng anh Trọng cùng hai con. Khi tôi về Tạp chí Cộng sản làm chuyên viên bậc 2 ở Ban Văn xã được nhận mức lương 64.000 đồng thì anh Trọng ở Ban Xây dựng Đảng là chuyên viên bậc 5 với mức lương 84.000 đồng. Hai Ban lại làm việc cùng tầng, cùng Chi bộ nên có sự thân thiết, gắn kết hơn".
Đến giờ, ông Vũ Lân vẫn còn nhớ như in hình ảnh nhà báo Nguyễn Phú Trọng cùng mọi người ăn cơm tháng ở quán cơm gần Bến xe Kim Liên cũ hay lúc sáng sớm, ông Trọng thường cầm theo một phích nước đi từ nhà tập thể cơ quan qua số 2 Nguyễn Thượng Hiền mua nước sôi rồi xách lên cơ quan ở số 1 Nguyễn Thượng Hiền, pha nước chè rồi chuyện trò cùng anh em. “Anh Trọng sống giản dị, không cầu kỳ và rất khiêm tốn”.
“Biết tôi có chút tài lẻ, anh Trọng hay nhờ tôi cắt tóc sau bữa trưa. Cứ cởi trần, cắt tóc, xong lấy khăn phủi đi rồi mặc áo vào đến giờ làm việc tiếp, vừa tiết kiệm tiền cắt tóc hằng tháng lại vừa thoải mái. Việc cắt tóc diễn ra kéo dài hơn hai năm cho đến khi tôi được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Moskva cuối năm 1989”, ông Vũ Lân nhớ lại.
Chất lý luận sắc sảo, khoa học
Nhà báo Vũ Lân cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học Đại học Tổng hợp khoa Ngữ văn; năm 1981 đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Ông là một trong những trí thức đầu tiên của Việt Nam học Tiến sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng. Trải qua những năm tháng làm việc, nghiên cứu tại Tạp chí Cộng sản - đơn vị nghiên cứu lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nên chất lý luận trong các bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất sắc sảo, chắc chắn, khoa học. Bản thân ông cũng học tập được từ đồng chí Nguyễn Phú Trọng những điều đó.
Đánh giá đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một cây lý luận xuất sắc của Đảng ta, nhà báo Vũ Lân cho biết, tiếp thu từ lý luận Mác - Lênin ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, sau đó được sang tiếp thu lý luận chính trị của Liên Xô về vận dụng vào Việt Nam, ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng có một hệ thống cơ sở lý luận xuyên suốt từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam.
“Anh rất coi trọng, thường xuyên vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách sâu sắc chứ không có lý luận suông và không có thực tiễn mù quáng. Lý luận soi đường cho thực tiễn và thực tiễn là cái để mà chứng minh cho lý luận”, nhà báo Vũ Lân nói.
Một trong những ví dụ rất rõ về chất lý luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng được nhà báo Vũ Lân nhắc đến là vào năm 1991 khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Trăn trở với câu hỏi Đảng ta lựa chọn con đường phát triển nào để tránh vết xe đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đồng chí Trọng đã đi tiên phong, chỉ đạo thực hiện nhiều hội thảo về vấn đề này, trực tiếp viết nhiều bài báo, trong đó có bài “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” viết năm 1992, gây tiếng vang một thời. Cùng với đó là một hội thảo kết hợp giữa Tỉnh ủy Thái Bình và Tạp chí Cộng sản về Nghị quyết Trung ương 3 và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đây là nơi tổ chức nhiều hội thảo làm rõ những vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khoán 10, những điển hình khoán của Hải Phòng,Vĩnh Phúc, vấn đề giá - lương - tiền..., cũng là nơi tập hợp được rất nhiều nhà khoa học, tri thức khoa học.
Sau này, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng nắm giữ những trọng trách cao hơn, những lý luận đó đã được vận dụng thường xuyên, liên tục theo hướng ngày càng sâu sắc hơn; được đúc kết thành những cuốn sách: Việt Nam trong tiến trình Đổi Mới; Đổi Mới ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tiễn; Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn; Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, khó khăn nào cũng vượt qua; Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng; Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nguyễn Phú Trọng - Tên cũng như người
“Chúng tôi thường nói với nhau, tên anh ấy là Trọng nên làm việc gì cũng hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sắc, đúng là tên cũng như người”, nhà báo Vũ Lân nói.
Ông nhận xét, từ khi còn công tác ở Tạp chí Cộng sản đến khi có chức vụ cao nhất, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn ý thức trui rèn đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, noi gương theo Bác Hồ, luôn nâng cao đạo đức cách mạng; liêm khiết, trong sạch, tác phong lại giản dị, sâu sắc, gần gũi với anh chị em.
Nhà báo Vũ Lân nhớ lại, với những tờ báo, tạp chí đặt bài viết đứng tên Nguyễn Phú Trọng, nếu báo chí nêu ý tưởng, đầu đề bài báo và tìm tài liệu, chấp bút rồi được ông đọc, ký duyệt đăng thì bộ phận chuẩn bị, chấp bút hưởng toàn bộ nhuận bút. Nếu ý tưởng, tiêu đề bài báo do ông đề xuất, bộ phận thư ký cung cấp tài liệu, trên cơ sở đó, các nhà báo, biên tập viên chấp bút thể hiện, ông đọc, biên tập, duyệt đăng thì khi có nhuận bút sẽ chia đôi: Tác giả đứng tên nhận một nửa, bộ phận chuẩn bị, chấp bút một nửa. Kể từ khi sang công tác ở Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị anh em giúp việc, mỗi khi nhận được nhuận bút thì cho vào quỹ để anh em chi vào các dịp hiếu, hỷ và trả tiền các bữa ăn trưa của "thầy trò" ở bếp ăn tập thể cơ quan.
Những câu chuyện về sự quan tâm, để ý tới anh em cấp dưới của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất nhiều.
“Anh Trọng rất thương anh em, những lần đi công tác xa, anh hay ngồi ở ghế phụ trên của chiếc xe U-oát. Có chuyến công tác Sơn La năm 1989, xe rất xóc nên thùng phuy xăng sau xe bị kêu và thoát ra mùi. Anh liền bảo với mọi người, thôi mình ngồi xuống dưới tì vào bình xăng cho đỡ mùi và kêu, anh em thay nhau ngồi lên phía trên nhé.
Hay như trong chuyến công tác tại Tuyên Quang hồi tháng 6/1996, được chị Hà Thị Khiết, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang tặng mỗi người một lọ mơ ngâm nhưng lại thiếu phần của lái xe, anh Trọng chủ động bảo lấy phần mình chia ra. Mọi người không đồng ý thì anh nói thế thì chia đều, ai cũng phải có như nhau, không thể người nhiều người ít. Anh quan tâm đến từng hoàn cảnh của anh em đồng nghiệp, bất kể vị trí, hoàn cảnh.
Những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện nhân cách bình dị mà cao cả đã in đậm trong tâm trí những người đã từng được tiếp xúc, được làm việc với ông - một nhà lãnh đạo tài ba, được nhân dân yêu quý, bạn bè quốc tế nể trọng.