PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI BỘ TƯ LỆNH QUÂN KHU 9 VỀ PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

30/07/2024

Để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, chiều 30/7, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng Đoàn, đã làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo buổi làm việc.

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÀM VIỆC VỚI BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc về phía Quân khu có Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân khu, đại diện các đơn vị có liên quan. Ngoài ra, buổi làm việc có sự tham gia của đại diện Ban chỉ đạo PKND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc buổi làm việc

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, đã có 79 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu về dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND). Việc sớm ban hành Luật PKND nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp trong đó có quy định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về PKND; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng lực lượng PKND vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, việc khảo sát là để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện Luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Rà soát các chính sách đối với lực lượng PKND

Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9 làm rõ một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm

Quân khu 9 là địa bàn chiến lược trên hướng Tây Nam của Tổ Quốc gồm 12 tỉnh, thành phố. Ban chỉ đạo PKND Quân khu chủ động tham mưu Tư lệnh Quân khu ban hành chỉ thị về công tác PKND. Ban chỉ đạo các cấp đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, lực lượng phòng không là dân quân tự vệ, dự bị động viên chủ yếu làm việc, lao động tại các cơ quan, khu công nghiệp, do đó việc huy động gặp khó khăn. Cơ chế sau khi huy động trở về làm việc tại cơ quan, đơn vị cũng gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, lực lượng chuyên môn phòng không cấp huyện chưa được đào tạo chuyên sâu, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên khả năng tham mưu, triển khai thực hiện còn hạn chế. Ngân sách bảo đảm cho hoạt động PKND ở các địa phương còn hạn chế. Ban chỉ đạo PKND Quân khu 9 kiến nghị dự thảo Luật cần quan tâm hơn nữa đến các quy định về chế độ chính sách đối với lực lượng PKND.

Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát quan tâm, đặt câu hỏi về nhiều nội dung trong dự thảo Luật như: thẩm quyền của Quân khu; trọng điểm PKND; lực lượng PKND; ngân sách bảo đảm; công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng; chế độ chính sách đối với lực lượng PKND. Các đại biểu tham dự buổi làm việc cũng trao đổi, thảo luận về nội dung rất quan trọng trong dự thảo Luật, đó là về quy định việc đăng ký, phân cấp cấp phép bay, chế áp, quản lý, xử lý vi phạm đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp, bảo đảm việc làm sau khi huy động tham gia PKND

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo, kết luận buổi khảo sát.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, đây là dự án luật có nội dung khá rộng, có liên quan đến nhiều luật khác; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo bóc tách rõ các chính sách. Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát những chính sách nào luật hóa từ các Nghị định, những nội dung khác với hệ thống pháp luật hiện hành cần xem xét có đặc thù, những chính sách nào không nên đưa vào luật do bảo đảm yếu tố bí mật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý trong việc quy định các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm thế trận PKND, trọng điểm PKND, lực lượng PKND cũng như các quy định liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Về chính sách đối với lực lượng PKND, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần nghiên cứu để quy định ràng buộc được trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với việc bảo đảm việc làm của những người được huy động. “Làm thế nào để sau khi huy động về, người ta vẫn có việc làm. Hiện nay, đây chính là cái khó nhất của các Quân khu. Khi huy động, người ta rời dây chuyền sản xuất, về là mất việc”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội nghị, tiếp tục nghiên cứu để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật./.

Khắc Phục