CẦN SỚM THÁO GỠ MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

12/08/2024

Kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” dự kiến được Đoàn giám sát báo cáo UBTVQH tại Phiên họp tháng 8/2024 tới đây. Trực tiếp tham gia Đoàn Giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên- Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế liên quan đến sắp xếp, vấn đề tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ….

NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Chuyên đề giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” nhằm xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng trong hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Trong quá trình triển khai, Đoàn Giám sát đã làm việc với Chính phủ, 16 bộ, ngành, đơn vị và 9 địa phương...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên- Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát 

Phóng viên: Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, qua giám sát xin đại biểu cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên: Qua giám sát cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là:

Thứ nhất, công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện quyết liệt, góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập và toàn xã hội.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền đã chú trọng thể chế hóa chủ trương của Đảng; ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cơ bản bao quát tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong giai đoạn 2018 - 2023, đã có 13 luật, 07 nghị quyết của Quốc hội; 01 pháp lệnh, 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 85 nghị định của Chính phủ; 30 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 200 thông tư, quyết định của các Bộ, ngành được ban hành có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 62-KL/TW và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương ban hành nhiều văn bản, khắc phục một bước tình trạng nợ đọng.

Thứ ba, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2015 - 2021 đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19. Một số chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, như tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương đạt 13,34%; tổng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã giảm 11,67%. Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách xã hội hoá việc cung cấp dịch vụ công đã từng bước phát huy hiệu quả; năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập từng bước được nâng cao; việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, cùng với việc sắp xếp, thu gọn bộ máy, biên chế thì chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cũng được nâng lên, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Phóng viên: Qua chia sẻ của đại biểu có thể thấy có nhiều kết quả tích cực đạt được, tuy nhiên, ở giai đoạn 2021 - 2023 tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại chỉ đạt mức giảm 1,75%, đặt ra thách thức lớn trong việc phấn đấu đạt tỷ lệ 10% đề ra trong Nghị quyết số 19 cho giai đoạn 2021 - 2025, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên, thưa đại biểu?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên: Mặc dù đạt được tỷ lệ giảm cao trong giai đoạn 2015 - 2021 nhưng tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023, chỉ đạt mức giảm 1,75%. Đây là mức rất thấp so với mục tiêu tiếp tục giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2021 - 2025. Tình trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, trong giai đoạn 2016 - 2021, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tập trung vào những lĩnh vực có nhiều thuận lợi nên đạt được kết quả cao, thậm chí có địa phương đạt tỷ lệ vượt rất xa so với mục tiêu 10% đặt ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025, dư địa cho việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thu hẹp dần, đòi hỏi sự nỗ lực cao của các Bộ, ngành, địa phương mới có thể đạt được mục tiêu tiếp tục giảm 10% đề ra trong Nghị quyết 19.

Thứ hai, một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác lãnh đạo, chỉ đạo có thời điểm chưa sâu sát, kịp thời, quyết liệt dẫn đến việc triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa bảo đảm theo quy định về tiến độ, cơ cấu tổ chức, hiệu quả hoạt động...

Thứ ba, một số Bộ, ngành vẫn còn có tâm lý không muốn từ bỏ vai trò quản lý trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập; ở chiều ngược lại, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng muốn tranh thủ nguồn lực của trung ương và không muốn chuyển về địa phương quản lý.

Thứ tư, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn còn thiếu thường xuyên; công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được chú trọng và chưa được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực; công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm còn hạn chế.

Phóng viên: Không chỉ tốc độ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập đang có dấu hiệu chững lại, qua giám sát thực tế vấn đề tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp nhiều khó khăn, vậy theo đại biểu đâu là nguyên nhân và Đoàn giám sát có đề xuất các giải pháp như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên: Kết quả thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tính đến thời điểm hiện tại còn cách xa mục tiêu cần đạt được; các đơn vị sự nghiệp công lập đạt mức độ tự chủ chưa cao; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá, chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính.

Tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của Đại dịch COVID-19 nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập bị giảm sút, dẫn đến ngân sách nhà nước phải tăng cường hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, việc thực hiện tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng là việc khó, phức tạp nên cần có thời gian, lộ trình thực hiện.

Về nguyên nhân chủ quan, trong thời gian vừa qua, có tình trạng nhiều định mức kinh tế - kỹ thuật chưa được ban hành đầy đủ, gây khó khăn cho việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu. Cơ chế liên doanh, liên kết trong sử dụng tài sản công còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả.

Ngành giáo dục, ngành y tế có số lượng lớn đơn vị sự nghiệp công lập nhưng chưa thực hiện được lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đào tạo, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nên cũng ảnh hưởng lớn đến việc tăng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực này, từ đó ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu tự chủ tài chính chung trên phạm vi cả nước.

Để tháo gỡ các khó khăn nêu trên, Đoàn giám sát đã đề xuất các nhóm giải pháp, cả về hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện mà Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần hoàn thành như sau:

Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Thứ hai, cần ban hành văn bản hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước theo cơ chế đặt hàng, trong đó có hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo số lượng học sinh, bảo đảm phù hợp với quy mô lớp học, làm cơ sở để thực hiện tự chủ một phần đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông;

Thứ ba, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn và đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ;

Thứ tư, kịp thời phê duyệt đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ chế tài chính với lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ theo quy định, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập phát triển ổn định, bền vững.

Phóng viên: Giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước là mục tiêu lớn của Nghị quyết đặt ra, tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2023, ở các địa phương tỷ lệ này chỉ đạt 1,42%, đang ở khoảng cách rất xa so với mục tiêu 10% mà Nghị quyết 19 yêu cầu. Vậy theo đại biểu, thời gian tới Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên: Nghị quyết số 19 đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, mức giảm ở các địa phương còn rất khiêm tốn. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19, thời gian tới Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động về tinh giản biên chế, tạo sự thống nhất và đồng thuận khi tổ chức thực hiện, nhất là đối với các đối tượng thuộc diện sắp xếp.

Hai là, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp, kịp thời, làm tốt công tác tư tưởng đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp và tinh giản biên chế; góp phần tạo sự ủng hộ tích cực hơn nữa của cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên cơ sở vị trí việc làm, trong đó có tính đến đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo, y tế, bảo đảm việc bố trí viên chức theo định mức giáo viên/lớp, viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội để đáp ứng nhu cầu thực tế, bảo đảm công bằng xã hội và bảo toàn vốn ngân sách nhà nước mà vẫn bảo đảm biên chế giáo viên của các địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu.

Lê Anh - Thùy Linh

Các bài viết khác