SỬA ĐỔI LUẬT ĐIỆN LỰC: TẠO KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ CHO HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN

14/08/2024

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)” nhằm góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢNG CÁO: KHẮC PHỤC VƯỚNG MẮC, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO PHÁT TRIỂN

Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Hội Thẩm định giá Việt Nam, Viện Năng lượng – Bộ Công thương; Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam,…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây.

Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển, Luật Điện lực năm 2004 qua 04 lần sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Cùng với đó, vừa qua nhiều luật có liên quan đã được sửa đổi. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời khắc phục vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Nhấn mạnh mục tiêu cung cấp thông tin khoa học phục vụ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị, các đại biểu tham góp ý kiến thẳng thắn, khách quan và toàn diện vào các nội dung, quy định cụ thể tại dự thảo Luật.

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Dự thảo Luật bám sát 06 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới. Dự thảo Luật được thiết kế dự kiến gồm 9 chương với 121 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.  

Góp ý tại hội thảo, các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực nhằm nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

Việc sửa đổi Luật Điện lực lần này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, thúc đẩy quá trình phát triển và hoàn thiện thị trường năng lượng cạnh tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần cải thiện các hạn chế, yếu kém của ngành năng lượng trong thời gian vừa qua như Nghị quyết 55-NQ/TW đã xác định.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý tại hội thảo

Cũng theo ý kiến các chuyên gia, tại Dự thảo lần này đã cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề mới đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, ví dụ nội dung về kế hoạch thực hiện quy hoạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ở chương 3, trong đó có đề cập đến phát triển điện tự sản tự tiêu từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và cho phép đấu nối với hệ thống điện…

Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung góp ý đối với nhiều nội dung cơ bản liên quan tới: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; Hợp đồng mua bán điện; trách nhiệm quản lý nhà nước; sửa đổi cách tính và điều chính giá bán điện;…

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo

Đối với yêu cầu của việc lập quy hoạch, các ý kiến đề nghị cần sắp xếp các yêu cầu của việc lập quy hoạch theo mức độ quan trọng. Một số yêu cầu có thể lồng ghép vào nhau để tránh trùng lặp. Đồng thời, nên cân nhắc bổ sung thêm các yêu cầu như: Đúng với chủ trương, đường lối, chính sách, Nghị quyết của Đảng; cân bằng năng lượng vùng; bảo đảm khả năng dự phòng; mục tiêu phát thải ròng bằng “0”;…

Về cơ chế quản lý, điều tiết giá điện, đề nghị cần được luật hóa theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 55-NQ/TW. Theo hướng, quy định cụ thể về: Nguyên tắc định giá; Căn cứ định giá; Phương pháp định giá; Điều chỉnh giá; Thẩm quyền định giá, điều chỉnh giá. Đối với chính sách xã hội trong giá điện mà dự thảo đề cập như: Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện; giá bán điện ở vùng biên giới, hải đảo; Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội…Đề nghị không đưa các nội dung này gộp vào chính sách giá mà phải đưa vào mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện, đảm bảo thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 55-NQ/TW là tách bạch giữa giá điện với chính sách xã hội… và Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa phát biểu tại hội thảo

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị: Bổ sung thêm điều về phát triển Hệ thống điện thông minh; Bổ sung thêm các lĩnh vực hoạt động điện lực được cấp giấy phép như hoạt động tư vấn thiết kế, giám sát công trình điện;… Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định của dự thỏa để phù hợp với quy định của Hiến pháp, các luật có liên quan đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều thông tin đa chiều, khách quan; góp ý cả tầm chính sách và các điều, khoản cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, thông tin góp ý sẽ được tổng hợp đầy đủ và xây dựng thành báo cáo phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36 tới đây./.

Lê Anh