Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo sát, làm việc với UBND thành phố Nam Định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc với UBND tỉnh Nam Định để phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tham dự buổi làm việc có Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), Bộ Công an, đại diện Bộ Xây dựng. Về phía tỉnh Nam Định, dự buổi làm việc có ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; đại diện lãnh đạo UBND, các sở ngành chức năng tỉnh Nam Định.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của toàn bộ người dân, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc ban hành, thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Kỳ họp thứ 8 tới đây sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, nhất là trong điều kiện, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp thời gian qua, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư đã gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội… Vì vậy Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức các Đoàn khảo sát thực tế để rút ra những nội dung “tinh túy” phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, vừa đảm bảo an toàn cuộc sống người dân, phòng chống cháy nổ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, UBND tỉnh Nam Định đề xuất Chính phủ chỉ đạo phân công, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, ngành, người đứng đầu 4 cấp trong công tác quản lý nhà nước về PCCC. Đề nghị Bộ Công an trang cấp bổ sung các xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe thang chữa cháy, phương tiện, thiết bị chữa cháy, CNCH hiện đại phục vụ công tác chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Nam Định. Góp ý về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND tỉnh Nam Định nhất trí với dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong lắp đặt, sử dụng điện; đồng tình với các quy định khu khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.
Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định báo cáo tại buổi làm việc.
UBND tỉnh cũng đề xuất bổ sung, đối với các đường, ngõ hẻm chưa thể mở rộng, có phương án, giải pháp bổ sung nguồn nước chữa cháy như: sử dụng các xe chữa cháy nhỏ cơ động; lắp đặt các họng nước chữa cháy chờ lấy nước từ xe chữa cháy. Tại khoản 6, Điều 8, đề xuất bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật về PCCC và CHCN vào chương trình đào tạo lái xe (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới). Về công tác xử lý vi phạm hành chính về PCCC, UBND tỉnh Nam Định đề xuất quy định rõ về thời gian, biện pháp khắc phục hậu qảu đối với công tác xử lý vi phạm hành chính về PCCC.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát và đại diện các cơ quan, sở ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã đặt vấn đề, trả lời nhiều nội dung liên quan đến các quy định trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, thành viên Đoàn khảo sát phát biểu.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá cao các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, phát biểu để tiếp tục bổ sung những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, làm rõ sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH; tập trung làm rõ kết quả triển khai thi hành pháp luật về PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh; những thành tích đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời tham gia ý kiến trực tiếp vào nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật.
Ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu làm rõ một số nội dung Đoàn quan tâm
Các đại biểu đều nhất trí cao với việc cần sớm thông qua luật PCCC&CNCH với mục tiêu nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, CNCH; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm trong hoạt động PCCC, CNCH; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Sau buổi làm việc này, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi./.