Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 14

06/09/2024

Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra, cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; công tác thi hành án năm 2024; công tác phòng chống tham nhũng năm 2024; về Báo cáo của Chánh án TANDTC và Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Phiên họp.

ỦY BAN TƯ PHÁP HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 13: THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Toàn cảnh Phiên họp 

Tham dự Phiên họp về phía các bộ ngành có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, Thanh tra Chính phủ; đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước…

Cùng dự về phía Quốc hội có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; các Ủy viên Thường trực và Ủy viên Ủy ban Tư pháp tại Trung ương và địa phương; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu khai mạc Phiên họp

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhằm thẩm tra, cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; công tác thi hành án năm 2024; công tác phòng chống tham nhũng năm 2024; về Báo cáo của Chánh án TANDTC và Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC năm 2024... Đồng thời đề nghị các đại biểu dự họp tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các báo cáo này.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Mai Thị Phương Hoa trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2024; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2024; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà trình bày một số ý kiến về Báo cáo công tác thi hành án năm 2024; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chỉnh phú về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, của Viện trưởng VKSNDTC, báo cáo công tác thi hành án năm 2024 và báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; đồng thời đánh giá cao và đồng tình các báo cáo một số ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về các nội dung này. Các báo cáo đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp.

Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024

Các ý kiến nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác này; đã đưa ra dự báo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2025 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác; đồng thời triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong hoạt động phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Báo cáo cũng đã thống kê được cụ thể nhiều loại tội phạm, kết quả thực hiện những kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra trong năm 2023, trong đó có báo cáo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, kết quả thực hiện quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Nhìn chung, kết quả một số loại tội phạm giảm so với cùng kỳ như: giết người giảm 23,03%; cướp tài sản giảm 7,18%; xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế giảm 16,09%, tội phạm về môi trường, an toàn thực phẩm giảm 43,38%, tội phạm liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông giảm 16,40%... Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản; một số loại tội phạm tăng mạnh, trong đó có một phần nguyên nhân từ công tác phòng ngừa như: phạm tội có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%...

Các ý kiến cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá, phân tích cụ thể được thực trạng tình hình vi phạm trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước và công tác xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành; tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc; một số nội dung báo cáo còn chưa đầy đủ theo yêu cầu đề cương như: chưa có báo cáo về số vụ án/số bị can có luật sư bào chữa từ giai đoạn điều tra, khởi tố, việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) của Cơ quan điều tra; việc thực hiện các chế độ quản lý tạm giữ, tạm giam đối với bị can, bị cáo; việc thu thập chứng cứ, thu thập vật chứng, bảo quản vật chứng, xử lý vật chứng theo quy định tại Chương VI của Bộ luật TTHS. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể làm cơ sở đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa các mặt công tác này trong thời gian tới.

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao cảnh giác của người dân, đưa ra những giải pháp cụ thể, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường đội ngũ cán bộ, trang bị kịp thời các phương tiện nghiệp vụ đối với lực lượng công an cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm này.

Cần tổng kết, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2024

Liên quan đến Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), các ý kiến nhận thấy, Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC được chuẩn bị nghiêm túc, đúng thời hạn, bám sát đề cương theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp và phản ánh cơ bản toàn diện công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự tiếp tục được VKSND các cấp chú trọng nhằm giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan chức năng đảm bảo đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật. VKSND các cấp đã kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 797 vụ án (tăng 20%); huỷ bỏ 45 quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án do không có căn cứ; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm và hầu hết đã được thực hiện, đạt tỷ lệ 99,9%, vượt 19,9% so với chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ kiến nghị, yêu cầu được chấp nhận.

Tuy nhiên, Báo cáo chưa đánh giá đầy đủ về nguyên nhân dẫn tới hạn chế trên một số mặt công tác (như tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự chưa đạt yêu cầu của Quốc hội…). Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ có số liệu tính trên tổng số vụ có hồ sơ mà chưa có số liệu tính trên tổng số vụ thuộc thẩm quyền giải quyết). Do đó, các ý kiến đề nghị Viện trưởng VKSNDTC tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện các nội dung này trong Báo cáo công tác 12 tháng trình Quốc hội.

Về Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2024, các ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về công tác PCTNTC được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc. Cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan hữu quan đã chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu dự Phiên họp

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN và nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, với tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, ý kiến của các đại biểu phát biểu rất sôi nổi, có giá trị. Cảm ơn ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp, ý kiến giải trình, tiếp thu của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp hoàn thiện các Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau khi có báo cáo cả năm của các cơ quan tư pháp, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu khai mạc Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2024

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà trình bày một số ý kiến nghiên cứu về Báo cáo công tác thi hành án năm 2024

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đại biểu Võ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tại Phiên họp

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Duy Giảng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Phiên họp./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác