Thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

03/10/2024

Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 07 Chương, 116 Điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 07 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn...

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

Tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp

Toàn cảnh Phiên họp 

Chiều 03/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đại biểu đại diện cho Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành, đơn vị hữu quan.

Đề cập về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã nhận được sự đánh giá cao của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.

Để thực hiện đúng và cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại báo cáo số 161/TLHN ngày 20/9/2024 về tiếp thu, giải trình ý kiến Trung ương, Chính phủ đã có Tờ trình đầy đủ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và các tài liệu trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đã phân tích đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn; mục tiêu, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, bố cục và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật; đánh giá tác động của các quy định…

Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Dự án Luật gồm 07 Chương, 116 Điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 07 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị hữu quan đã tập trung vào việc thẩm tra các nội dung chính dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban, các Bộ ngành, đại biểu Quốc hội và các đơn vị hữu quan đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).  

Để đảm bảo chất lượng dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh yêu cầu cơ quan soạn thảo, các cơ quan, đơn vị hữu quan  tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện các báo cáo chính thức của Chính phủ, gửi cơ quan thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 38 tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh 

​Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu./.

Bích Lan - Nghĩa Đức