Thảo luận Tổ 8: Tăng cường năng lực, bảo đảm để HĐND Thành phố thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao

31/10/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, các ý kiến đại biểu cho rằng cần tăng cường năng lực, bảo đảm để HĐND Thành phố thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.

Thảo luận Tổ 8: Đảm bảo không lãng phí nguồn lực trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Tại phiên họp tổ, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; đồng thời, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, các thành phố trực thuộc trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội. Do đó, thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tán thành cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Đại biểu nhấn mạnh, thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất phương án trình của Chính phủ. Đại biểu phân tích, điểm g khoản 1 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện “Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện” và Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính trong đó quy định “UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính”. Khi không còn HĐND quận thì nhiệm vụ này phải chuyển giao cho cơ quan khác thực hiện.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố, Hải Phòng đã nghiên cứu, tham khảo các địa phương đi trước, theo đó tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cũng quy định “Giao UBND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đổi tên, quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận bảo đảm không vượt quá số lượng tối đa cơ quan chuyên môn theo quy định của Chính phủ”, tương tự như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép như đã thí điểm tại Đà Nẵng.

Tán thành với quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuỷ Nguyên như dự thảo Nghị quyết, đại biểu nhấn mạnh, trong những năm tới, công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của Thủy Nguyên, dự kiến thu hút 250 nghìn lao động; Thương mại - dịch vụ phát triển dựa trên nền tảng phát triển ngành thương nghiệp với mạng lưới các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ logistics; trên địa bàn Thuỷ Nguyên đang xây dựng nhiều khu dân cư mới như Bắc Sông Cấm, đảo Vũ Yên, Vsip, Hoàng Huy ... nên dân số của Thuỷ Nguyên sẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian tới. Đồng thời, theo Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045 thì quy mô dân số khoảng 725 nghìn người (bằng gần 1/3 dân số của thành phố Hải Phòng hiện nay), trong đó dân số đô thị chiếm 86%. Do đó, việc bổ sung 01 Phó Chủ tịch UBND thành phố để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của chính quyền trong lĩnh vực quản lý đô thị là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ tán thành cao về sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Quan tâm đến quy định về HĐND, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường thì HĐND Thành phố cần tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Do đó, có thể cân nhắc phương án cần cơ chế giúp việc cho đại biểu HĐND Thành phố. Theo đó, các đại biểu HĐND Thành phố có thể thuê chuyên gia tại các Trường đại học, Viện nghiên cứu hoặc các cơ quan, đơn vị với những nội dung công việc chuyên môn sâu để đảm bảo thực hiện hiệu quả các công việc của HĐND như giám sát, triển khai các Nghị quyết, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Cũng tại phiên họp tổ, các đại biểu đã thảo luận về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tán thành nội dung này, các đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục quan tâm và có những định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập. Việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương phải theo đúng các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra trong các đề án kèm theo, đảm bảo thành phố phát triển theo hướng đô thị di sản. Đồng thời, cần có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định, duy trì hoạt động của mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đặc biệt là với các quận, huyện, thị xã được thành lập mới; cần có những chính sách đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ tại phiên họp

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu 

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu ý kiến tại phiên họp

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long kết luận nội dung thảo luận./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác