Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

12/11/2024

Chiều 12/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao.

Tổng thuật chiều 12/11: Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 424 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 88,52 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Về mục tiêu tổng quát, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới. Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, sớm hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để thúc đẩy phát triển. Phát triển văn hoá, xã hội gắn kết chặt chẽ, hài hoà với phát triển kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và dân sự; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, thông tin, tuyên truyền với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Theo Nghị quyết, các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra như sau: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%; Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5-81,5%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Quang cảnh phiên họp

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã đề ra.

Cụ thể: Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi. Tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân; đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá...

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Hồ Hương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Các bài viết khác