Tổng thuật sáng 27/11: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Theo chương trình, sau khi thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết theo chương trình làm việc, chiều ngày 27/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm y tế.
14h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt và thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao năng lực thực thi; đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội; giao Chính phủ, các bộ quy định nội dung theo thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, nhiều đại biểu đã có ý kiến về quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định tại Luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; giao Chính phủ quy định các đối tượng phát sinh khác sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khi thực hiện ổn định và có đánh giá toàn diện sẽ nghiên cứu bổ sung khi sửa đổi toàn diện Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 13 của dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định về nội dung này để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương sớm nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên; các cơ quan chức năng khắc phục các bất cập hiện nay trong công tác tổ chức triển khai thực hiện thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.
Về phạm vi được hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà tại điểm b khoản 2 Điều 21 để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thiết kế trong dự thảo Luật quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám bệnh, chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị giữ quy định của Luật hiện hành về mức hưởng bảo hiểm y tế với đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu . Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để quy định nâng mức hưởng với các đối tượng nghỉ hưu cho phù hợp khi sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm Y tế.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu, về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, dự thảo Luật quy định quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản; quy định khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế cho cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tại Điều 26. Đồng thời, quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính tại Điều 27.
14h12: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với tỷ lệ tán thành cao.
14h15: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tên gọi và thời gian thực hiện của Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tên gọi “Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030” là phù hợp với văn bản chỉ đạo, định hướng của cấp có thẩm quyền và đã bao hàm đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động, thời gian thực hiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ tên gọi, thời gian thực hiện Chương trình đến năm 2030 và giao Chính phủ năm 2030 tổng kết việc thực hiện Chương trình, nghiên cứu, đề xuất Chương trình cho giai đoạn tiếp theo như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình (khoản 1 Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể bảo đảm tính khái quát, súc tích, toàn diện, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, mục tiêu tổng quát được thể hiện lại như sau: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững”. Đồng thời, thể hiện lại mục tiêu cụ thể để làm rõ vai trò của mục tiêu “giảm cầu” trong công tác phòng, chống ma túy.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tuy các chỉ tiêu cụ thể được đề xuất đã dựa trên việc tiến hành đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống các giai đoạn trước, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ lựa chọn một số chỉ tiêu có tính khả thi để đưa vào dự thảo Nghị quyết và đề nghị Chính phủ nghiên cứu rà soát để thể hiện các chỉ tiêu còn lại tại các dự án triển khai thực hiện Chương trình và có giải pháp để bảo đảm thực hiện, trong đó, có giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ y tế…
Về cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình (khoản 6, Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung chính sách đặc thù thực hiện Chương trình và thống nhất với Chính phủ thể hiện tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, cụ thể như sau: “Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn” tại điểm a và bổ sung quy định “Các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình”.
Đối với nội dung về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình (Điều 2 và Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã quy định giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình; tăng cường vai trò kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời điều chỉnh những vướng mắc phát sinh khi tổ chức thực hiện tại điểm d khoản 5 Điều 1, khoản 1 Điều 2 và điểm đ khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch chi tiết từng giai đoạn, quan tâm việc phân kỳ đầu tư, đề ra lộ trình thực hiện, có giải pháp hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo cho các cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện ma túy; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện Chương trình…
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi Chương trình và ban hành quyết định phê duyệt Chương trình, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các dự án, tiểu dự án bảo đảm hiệu quả, khả thi, tránh dàn trải, lãng phí.
Dự thảo Nghị quyết cũng đã chỉnh lý “cơ sở cai nghiện ma túy công lập” thành “cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện ma túy công lập” để bao quát và toàn diện các loại hình cơ sở đang thực hiện cai nghiện ma túy.
Trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bảo đảm việc triển khai Chương trình được thành công như mong đợi của Đảng, Nhà nước, toàn dân và các đại biểu Quốc hội.
14h28: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành biểu quyết Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 453/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,57% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
14h31: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), thời gian đến 16h, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật, có 118 lượt ý kiến phát biểu. Cơ bản các ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật, các đại biểu cũng đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi trên mạng thông tin của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; lưu ý các nội dung về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế; đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế suất, giảm thuế, điều khoản thi hành của các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm
14h33: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng: Xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Trên thực tế, nhiều loại nước có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát có đường…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường. Vì Tờ trình của Chính phủ cũng có đề cập đến nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ, Bộ Tài chính trong Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 02 ngày mùng 5/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022- 2025 theo Quyết định số 155 ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ đều là áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng bày tỏ sự lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng, chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam hẹp hơn nhiều so với khái niệm đồ uống có đường.
14h37: Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Khấu trừ và hoàn thuế đối với các loại ôtô chuyên dùng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng quan tâm đến nội dung khấu trừ và hoàn thuế đối với các loại ôtô chuyên dùng. Hiện nay, việc sản xuất các loại xe ôtô chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở tiền, xe chở phạm nhân và xe ôtô chuyên dùng khác còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu lấy ví dụ về trường hợp xe cứu thương để thấy rõ vấn đề. Để sản xuất xe cứu thương, các doanh nghiệp phải sử dụng đầu vào là chiếc xe 9 chỗ hoặc 12 chỗ chưa gắn nội thất. Những chiếc xe đầu vào thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất có thể lên đến 50%. Nhà sản xuất khi mua nguyên liệu đầu vào này đã phải trả thuế thông qua giá mua xe. Sau khi cải tạo xe thương mại này thành xe cứu thương bán ra thì xe cứu thương thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các doanh nghiệp không được khấu trừ hay hoàn thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào. Hay nói cách khác, đầu vào đã phải chịu thuế, mà đầu ra lại không được khấu trừ.
Tình trạng trên dẫn đến hệ lụy là chi phí sản xuất các xe ôtô cứu thương ở Việt Nam tăng từ 30 đến 40%. Với khoảng 2.000 chiếc xe cứu thương trên toàn quốc thì chúng ta thu khoảng 500 – 600 tỷ đồng. Chi phí này cuối cùng dồn lên người bệnh. Điều này làm tăng phí y tế, giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh. Điều này cũng khiến doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu; thiệt hại lớn cho ngành cơ khí và ứng dụng. Do đó, phải có cơ chế khấu trừ và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp dùng ôtô thương mại để sản xuất ôtô chuyên dùng.
14h42: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc lá xuống 39,7% là cần thiết
Góp ý tại điểm a khoản 1 Điều 8 về thuế suất tiêu thụ đặc biệt và biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, về đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa là các loại thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, đây là quy định phù hợp, song hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc lá từ 42,7% xuống 39,7% là cần thiết nhưng cần cân nhắc không quy định về các dạng thuốc lá khác dùng để hút, hít, nhai, ngậm như dự thảo đã nêu.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để cân nhắc không quy định về các dạng thuốc lá khác để hút, hít, ngậm tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này.
Có thể xem như đây là một giải pháp bước đầu khắc phục điểm hở trong khi chúng ta chờ sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời cũng là thực hiện Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của các loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa sửa thì chưa thể cấm các loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nhưng theo đại biểu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là không quy định chứ khống cấm.
Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo không quy định các dạng thuốc lá khác để hút, hít, nhai ngậm tại Điều 8 về thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ và biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại dự thảo Luật như vừa nêu trên.
Về thời gian áp dụng biểu thuế tiêu thụ đặc biệt được dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao có thể làm tăng thu nguồn ngân sách nhà nước trong thời gian ngắn hạn, nhưng trong trung hạn và dài hạn, đại biểu cho rằng, có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Qua đó, kết quả sẽ là giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng với vấn đề trên, tốc độ về tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu khiến doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ta, nhất là các nhà máy hiện đại mới đầu tư vẫn chưa sử dụng hết công suất sẽ không thể điều chỉnh công suất sản xuất trong thời gian ngắn. Với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do yêu cầu về sức khỏe, về an toàn giao thông được áp dụng trong thời gian gần đây, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, nếu tiếp tục áp dụng trong thời gian tới về thuế suất tiêu thụ đặc biệt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy, người lao động và cả thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do đó, cần đánh giá tác động, suy tính kỹ hơn trước khi quyết định thời gian áp dụng và cần xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất hợp lý để đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống việc làm của người lao động. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước hiệu quả, bền vững nhưng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
14h47: Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Cần cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đại biểu lấy dẫn chứng, theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, những năm gần đây, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta đã giảm mặc dù chưa cần phải áp dụng thuế…
Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì: như Brunei, Ấn độ, Chile, Phần Lan, Bỉ… là những quốc gia đã áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.
Đại biểu cho biết, ví dụ như nước dừa đóng hộp, không cần thêm đường, nước dừa tự nhiên đã có lượng đường tương đương 6-7g/100ml. Nếu chiếu theo TCVN, thì nước dừa đóng hộp có thể được liệt vào nhóm chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đại biểu, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước dừa không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau COVID-19 của tỉnh Bến Tre; mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa vì không tiêu thụ được trái dừa, nguy cơ phải đốn dừa trồng cây khác. Trong khi cây dừa là cây có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể chịu được hạn, chịu được ngập và rễ dừa chống xói lở đất. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy, uống nước dừa tốt cho sức khỏe, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống nước dừa dẫn đến thừa cân, béo phì. Đại biểu khẳng định, hiện chưa đủ cơ sở khẳng định việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước dừa sẽ làm giảm bệnh thừa cân, béo phì, nhưng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước dừa có khả năng dẫn đến thất thu ngân sách của các địa phương có trồng dừa và thậm chí Trung ương còn phải hỗ trợ ngân sách cho các địa phương trồng dừa để khắc phục thiên tai do mất cây dừa.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Do vậy, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo TCVN vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu của chính sách là bảo vệ sức khỏe người dân.
14h52: Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Cần đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trước khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt
Thảo luận tại phiên họp về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ ủng hộ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ, nhằm định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. “Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.
Đại biểu Trịnh Xuân An ủng hộ tăng thuế thuốc lá để giải quyết vấn đề sức khỏe và môi trường, nhưng đề nghị cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cần xem xét các mặt hàng khác như thuốc lào, thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc đánh thuế xe ô tô bán tải Pick-up như xe ô tô thông thường là chưa phù hợp, vì phần lớn xe bán tải chủ yếu được sử dụng ở vùng nông thôn, ở các đồn biên phòng, ở các vùng biên giới mà đánh thuế ngang với xe ô tô bình thường khác.
14h57: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Bổ sung hàng hóa không thân thiện với môi trường vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như pin, lốp xe ô tô, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Về thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế, đại biểu cho rằng cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng. Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối, cộng thêm áp dụng cả hai phương án do Chính phủ trình là 10.000 đồng một bao. Như vậy mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thêm khoảng 42% ở Phương án 1 và hơn 100% ở Phương án 2. Đại biểu cho rằng, việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giảm giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá; ảnh hưởng đến an ninh biên giới; thu ngân sách giảm.
Đại biểu cho rằng, hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu như dự thảo luật là quá cao và liên tục tăng trong thời gian 5 năm cần được đánh giá tác động thận trọng ở nhiều giác độ: kinh tế, xã hội, an ninh để xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030.
Đối với nước giải khát có đường, dự thảo luật quy định chỉ áp dụng một mức thuế 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100 ml. Đại biểu cho rằng, mức áp thuế này còn thấp hơn so với một số quốc gia, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia theo hướng tăng, có thể là 20%, thay vì 10% như dự thảo và xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp đến năm 2030.
Đối với rượu bia, đại biểu thống nhất với việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình, tuy nhiên đại biểu băn khoăn dự thảo luật đang áp thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ. Nếu theo suất tính theo độ cồn, với quan điểm độ cồn càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nhiều, tại sao thuế suất của bia lại ở mức cao hơn rượu ở nồng độ cồn dưới 20 độ, trong khi độ cồn của bia chỉ khoảng 5 độ. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo giải trình thêm về vấn đề này và nghiên cứu sửa đổi đảm bảo hiệu quả, khả thi.
15h02: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh…
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng cao, chứ không phải chỉ có nước giải khát có đường. Nếu áp thuế cao thì có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu rất khó kiểm soát vào Việt Nam.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật là không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Bởi vì đây là nhu cầu, mặt hàng thiết yếu của người dân.
15h08: Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Lộ trình tăng thuế hợp lý để ngăn chặn hiểm họa thuốc lá
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, từ hiểm họa do thuốc lá gây ra cho sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân, kinh tế xã hội của đất nước, trong lần sửa đổi này, đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu, trong đó áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (bao gồm kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối), có lộ trình tăng thuế tuyệt đối qua các năm để đến 2030 đạt được mức thuế tuyệt đối là 10.000đ/ bao thuốc lá, phấn đấu đạt mục tiêu khuyến cáo của WHO đạt mức tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu hiện nay khoảng hơn 36% lên 75% vào 2030, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên dưới 36%, của chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá 2030.
Đại biểu cho biết, theo số liệu của WHO, thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nhóm nghèo có tỷ lệ hút thuốc cao hơn nhóm giàu. Xu hướng này cũng phù hợp với con số hơn 80% người hút thuốc trên thế giới tập trung ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có 70.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước.
Theo đại biểu, trên lĩnh vực này, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có "giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất", dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.
Cũng theo WHO và kinh nghiệm của các quốc gia thì biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng này là công cụ chính sách hiệu quả, tuy nhiên, vấn đề là tăng như thế nào mới hợp lý. Đại biểu nêu rõ, có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn: tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, đại biểu khẳng định, những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là không đáng kể.
Với quan điểm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm phương án 3: cụ thể, mốc năm 2026 là thuế suất 75% và thuế tuyệt đối là 5000 VNĐ, tịnh tiến đến thuế suất 75% và thuế tuyệt đối 15.000 VNĐ/bao thuốc lá vào năm 2030. Đồng thời, cần có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỷ lệ nhất định để tiến đến đạt các mục tiêu của công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.
15h13: Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ
Góp ý tại Hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội. Vì vậy, khi chúng ta ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động của nó là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được. Với nguyên lý như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý.
Về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, nếu quy định tăng thuế điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, đại biểu cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
Thuốc là và rượu, bia là những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này nhưng cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi. Đại biểu không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.
15h19: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tranh luận
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.
Đối với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đại biểu đề xuất nên có một danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này có thể do Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa. Bởi đây là sản phẩm giúp người dân có được điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho sức khỏe của người già và trẻ em. Thay vì đánh thuế, đại biểu cho rằng, nên hướng dẫn người dân cách sử dụng máy điều hòa hợp lý.
15h21: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cân nhắc việc tăng thuế với xe Pick-up chở hàng cabin kép
Tham gia thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), liên quan về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là điều hoà nhiệt độ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, quy định này hiện nay đã không còn phù hợp. “Điều hòa nhiệt độ được sử dụng như một thiết bị thiết yếu, hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng điều hòa nhiệt độ, ngay cả các phòng trọ cho đối tượng có thu nhập thấp, sinh viên thuê cũng đều trang bị điều hòa nhiệt độ. Điều đó cho thấy đây không còn là mặt hàng được coi là xa xỉ, dành cho đối tượng có thu nhập cao. Vì vậy, theo đại biểu, nên cân nhắc bỏ quy định đánh thuế đối với điều hòa nhiệt độ”, đại biểu tỉnh Hải Dương phân tích.
Về mặt hàng thứ hai là xe ô tô bán tải Pick-up chở hàng cabin kép, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng hiện nay, dòng xe này sử dụng chủ yếu ở ngoài đô thị, có với công năng chính là chở hàng; nhiều hộ gia đình, đơn vị sử dụng phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ, thuận tiện, đơn giản trong vận chuyển. Hơn nữa, tại Việt Nam, xe Pick-up chở hàng cabin kép chỉ chiếm khoảng 5% thị phần ô tô cả nước, chưa đến mức quá lớn để gây ảnh hưởng đến giao thông nếu sử dụng trong khu vực đô thị.
Do đó, đại biểu đề xuất cân nhắc lại việc tăng thuế với xe Pick-up chở hàng cabin kép; cần hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân; nếu cần phải tăng để thu ngân sách thì nghiên cứu lại lộ trình phù hợp, từ 3 tới 5 năm, lùi thời hạn áp dụng và mức tăng vừa phải, ổn định để bảo toàn nguồn lực chung cho doanh nghiệp, người dân, cho ngân sách đồng thời nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của Luật, để Luật thực sự đi vào cuộc sống.
Về quy định giao Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ (Khoản 3 Điều 2 dự thảo), đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc. Việc bổ sung một đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, và đặc biệt là việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan. Đồng thời, quy định đối tượng chịu thuế còn kèm theo việc quy định mức thuế suất là bao nhiêu. Vì vậy đại biểu cho rằng ít nhất nên giao Chính phủ quy định sau khi xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoặc cần thiết thì phải trình Quốc hội cho ý kiến.
15h25: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Phương tính thuế tuyệt đối chưa đảm bảo công bằng
Góp ý về căn cứ tính thuế, đại biểu cho biết, dự thảo luật bổ sung thêm hai phương pháp tính thuế là phương pháp tuyệt đối và phương pháp hỗn hợp, nhưng không giao Chính phủ hay là Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, để đồng bộ với các sắc thể khác, bổ sung phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt và theo gợi ý của Ủy ban tài chính, ngân sách đề xuất.
Liên quan đến thuế suất quy định tại Điều 9, dự thảo luật sửa đổi cơ bản mức thuế suất tại biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng. Theo đó bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá được tính thuế theo phương pháp tính thuế hỗn hợp. Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra nếu tính thuế theo phương pháp tuyệt đối sẽ không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, đối tượng nộp thuế, bởi thuốc lá có giá thấp và thuốc lá có giá bán cao đều áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt giống nhau.
Theo tính toán của đại biểu, nếu tính thuế theo phương pháp tuyệt đối, có loại thuốc lá tăng đến 175% so với mức thuế suất hiện hành; có loại tăng 25%. Như vậy, tính thuế theo phương pháp thuế suất tương đối vẫn phù hợp hơn so với phương pháp tuyệt đối.
15h30: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo giao cho Chính phủ quy định các đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thuận với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, mặt hàng này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa của các vụ cháy nổ…
Từ những tác động tiêu cực của thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai lựa chọn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo phương án 2 vì hợp lý cho chính sách phát huy hiệu quả nhanh chóng trong thực tiễn, có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn và ở mức độ lớn hơn.
Ngoài ra, để quy định trên được hoàn thiện, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quy định xem xét, quy định mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu được tính bằng “bao” cho phù hợp. Vì theo quy định tại Điều 24 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu. Trường hợp quy định như dự thảo Luật thì doanh nghiệp có thể sản xuất số lượng lớn hơn 20 điếu/01 bao và mục đích giảm tỷ lệ hút thuốc lá và sửa đổi để áp mức thuế tuyệt đối so với luật hiện hành sẽ không đạt được. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần quy định rõ hơn đối với nội dung này.
15h35: Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Cầm Thị Mẫn quan tâm đến việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.
Đại biểu thống nhất với việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống. Đối với tác động về nguồn thu ngân sách, kết quả tính toán cho thấy, khi áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp. Đồng thời việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP.
Do đó, cần phải cân đối mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng với việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này. Thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách. Vì vậy, việc bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để triển khai thực hiện được thông suốt. Các doanh nghiệp có thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, kịp thời thích ứng.
15h40: Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đồng tình với việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
Đồng tình với việc điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, với mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta đang áp dụng đồng thời các công cụ, trong đó có thuế. Đại biểu cho biết, bắt đầu từ năm 1999, chúng ta áp dụng thuế TTĐB với mức 45%, tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì đến nay. Trong đó, từ năm 2016, mức tăng tại mỗi lần điều chỉnh chỉ 5% và khoảng thời gian giữa các lần tăng từ 3 đến 4 năm.
Đại biểu cho rằng, đây là mức tăng và lộ trình phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp ngành sản xuất thuốc lá có đủ thời gian để chuẩn bị, hoạch định được chiến lược và chính sách phù hợp, sản xuất ổn định và tăng hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước.
Về việc chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, theo số liệu của Bộ Công thương, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá lậu khoảng 48 tỷ đồng, số lượng tịch thu trong năm cao nhất là gần 700.000 bao thuốc lá các loại. Kết quả này còn khá ít ỏi so với thực trạng của thuốc lá lậu. Riêng năm 2023 đã có khoảng 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế TTĐB gần 4.000 tỷ đồng.
Về tình hình sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, đại biểu nhận thấy, hiệu suất hoạt động và kết quả đạt được còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được nguồn lực của Quỹ này.
Từ thực tế triển khai của 3 công cụ vừa nêu trên, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, có thể thấy việc sửa đổi thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần nhưng chưa đủ, phải xem xét đồng thời các công cụ đang có để phát huy hiệu quả từng công cụ, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Đối với công cụ thuế, Dự thảo lần này đang đề xuất bổ sung thuế TTĐB tuyệt đối với mức tăng ở cả 2 phương án là từ 20% đến 100% mỗi năm và tăng liên tục hàng năm, trong khi mức tăng tổng cộng trong 20 năm (từ 1999 - 2019) chỉ có 30%. Như vậy, mức tăng và lộ trình tăng trong Dự thảo là quá nhanh và dồn dập, chưa từng có tiền lệ và chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, thậm chí có thể tạo ra nhiều tác động tiêu cực và hệ lụy. Vì vậy, đại biểu đề xuất, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối ngay từ khi điều chỉnh lần này không nên đột ngột và mỗi lần tăng phải có khoảng cách thời gian ít nhất là 03 năm (như đã thực hiện trong giai đoạn trước đây).
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động toàn diện để có lộ trình và mức tăng thuế phù hợp đối với thuốc lá. Đồng thời, cần có các biện pháp áp dụng đồng bộ và hữu hiệu các công cụ, không nên chỉ tập trung vào việc tăng thuế TTĐB.
15h45: Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Ủng hộ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Phát biểu góp ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ ủng hộ sự cần thiết của dự thảo Luật, đồng thời nhất trí với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bởi đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng. “Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết, phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá”, đại biểu nêu quan điểm…
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét thận trọng và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay của nước ta để cân nhắc, tính toán kỹ về mức tăng và lộ trình tăng, nhằm đảm bảo phù hợp, tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu đề ra.
Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng thuế quá cao và nhanh chóng sẽ dẫn đến gia tăng buôn lậu thuốc lá, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và không đạt được mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng. Đại biểu cho biết, hiện nay, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được tăng cường, đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Thuốc lá lậu vẫn còn tràn lan, công khai, dễ mua. Công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Những hạn chế này không thể một sớm một chiều khắc phục ngay được mà đòi hỏi cần có quyết tâm cao và thời gian, lộ trình nhất định. Theo đại biểu, việc tăng thuế trong khi công tác chống lậu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ là vấn đề hết sức cân nhắc để tránh những hệ lụy tai hại.
Tương tự như vậy, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc về mức độ và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia trong bối cảnh tình hình buôn lậu rượu, bia vẫn còn phức tạp.
15h51: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Giải trình ý kiến của các ĐBQH về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, vì vậy thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt không hoàn thuế giá trị gia tăng. Xe không thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến hành thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, Giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon.
15h58: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 15 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, còn 7 đại biểu chưa phát biểu, đề nghị gửi ý kiến để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình các vấn đề đại biểu nêu.
Qua thảo luận, các ý kiến thống nhất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế, với tinh thần đổi mới, hiệu quả và phù hợp thực tiễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường, thuốc lá, phương tiện vận tải, máy điều hòa nhiệt độ và một số hàng hóa khác.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về các đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế, giảm thuế; đề nghị rà soát đảm bảo thống nhất và đánh giá tác động một cách toàn diện, hài hòa để đảm bảo mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội… Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và dưới nhiều giác độ khác nhau và còn có ý kiến băn khoăn về một số nội dung, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo Chương trình xây dựng pháp luật.