QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15
Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã nghiên cứu báo cáo, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt tổng quan tỉnh hình thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phố thông, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về viên chức, trong đó có giáo viên phổ thông công lập đã được các cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, là cơ sở pháp lý thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, theo đó nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên và từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục .
Các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, chấp hành kỷ luật, kỷ cương tốt hơn, không phát sinh những sai phạm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên; tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên theo đúng quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP; đã chủ động sắp xếp lại quy mô trường lớp, học sinh, giảm các trường, điểm trường.
Cùng với đó, chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với giáo viên hiện đã được quan tâm hơn so với công chức, viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập giải quyết trước mắt việc thiếu giáo viên do nghỉ thai sản, nghỉ hưu, chuyển công tác ... (được ký hợp đồng lao động).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ thực hiện việc tuyển dụng viên chức giáo viên phổ thông công lập tuy được ban hành đầy đủ nhưng chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa sát với thực tế, cụ thể. Định mức học sinh/lớp và giáo viên/lớp hiện nay quy định chung cho cả nước, không phân biệt vùng, miền là chưa phù hợp vì đa số các địa phương đều không bố trí đủ định mức học sinh/lớp, có những địa phương bố trí học sinh/lớp thấp hơn nhiều so với quy định.
Cơ chế, chính sách để chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục phổ thông từ công lập ra ngoài công lập và thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở giáo dục phổ thông công lập ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao chậm được ban hành. Do thay đổi về trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 dẫn đến khó khăn về nguồn tuyển dụng giáo viên (do cơ bản các cơ sở giáo dục đã tổ chức đào tạo sinh viên sư phạm theo trình độ chuẩn quy định của Luật Giáo dục 2005, cụ thể: trình độ trung cấp đối với giáo viên tiểu học và trình độ cao đẳng đối với giáo viên trung học cơ sở). Mặt khác, giáo viên phổ thông công lập được đào tạo qua từng thời kỳ, từng giai đoạn có yếu tố lịch sử khác nhau đến nay còn tồn tại, nên khi thực hiện nâng chuẩn trình độ được đào tạo theo quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP cần có lộ trình, thời gian phù hợp.
Thêm vào đó, việc xếp lương vào các chức danh nhà giáo theo chức danh nghề nghiệp, chủ yếu theo thâm niên công tác và trình độ đào tạo. Tuy tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo đã được Nhà nước ưu đãi (mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất 70% và hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo) nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống, chưa tạo được động lực để giáo viên tâm huyết gắn bó với nghề nghiệp; chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng gắn với chất lượng, hiệu quả công tác của nhà giáo, ...
Các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động triển khai trong việc: Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc thể chế hóa và triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách đối với đội ngũ giáo viên còn chưa kịp thời.
Phân tích nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật, có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện của địa phương, có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nói chung và giáo viên phổ thông công lập nói riêng về cơ bản là khá hoàn chỉnh, đồng bộ nhưng một số quy định về phương thức, nội dung quy định về tuyển dụng còn chưa phù hợp với thực tiễn, với đặc thù hoạt động nghề nghiệp của ngành giáo dục.
Do yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dẫn đến thiếu biên chế giáo viên. Mặt khác, việc thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế của Đảng tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ; Kết luận số 17-KL/TW ; Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP , từ năm 2015-2021, hàng năm các địa phương đều phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, trong đó bao gồm cả biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo, dẫn đến việc càng thiếu biên chế giáo viên. Quy định về định mức giáo viên/lớp và học sinh/lớp được ban hành từ trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW nên chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, của Chính phủ.
Các địa phương còn chậm triển khai việc: Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương; Chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.
Về nguyên nhân khách quan, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, công tác dự báo và lập kế hoạch về biên chế giáo viên, tuyển dụng giáo viên chưa sát với tình hình thực tế của từng địa phương đối với từng bậc học. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, các địa phương tiến hành sắp xếp lại quy mô trường, lớp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Việc điều chuyển giáo viên giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý; việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống dạy cấp học tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học.