|
Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh. |
Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, sau 6 năm thực hiện Pháp lệnh Người có công với cách mạng trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả. Các gia đình có công được chăm lo chu đáo về cả vật chất và tinh thần, mức sống ngày càng ổn định và nâng cao. Đến nay, TP Hồ Chí Minh có trên 218.000 người có công với cách mạng, trong đó 46.250 người có công hiện đang hưởng trợ cấp ưu đãi. TP đã giải quyết chế độ cho 3.878 trường hợp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống...
Về công tác hỗ trợ giải quyết nhà ở cho người có công, đến nay TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được 15.915 nhà tình nghĩa, trên 15.000 nhà tình thương cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. TP cũng đã cấp 12.510 sổ ưu đãi giáo dục cho người có công với cách mạng; giải quyết cho hơn 4.430 học sinh, sinh viên là đối tượng chính sách được hưởng chế độ miễn giảm học phí; 100% người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ BHYT; tổ chức cho 15.392 lượt người có công đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng và 30.555 lượt người có công điều dưỡng tại nhà…
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số tồn tại như mức trợ cấp ưu đãi người có công cần được điều chỉnh nhanh chóng kịp thời sao cho phù hợp với mức sống của xã hội, đồng thời nên quy định hệ số ưu đãi cho từng khu vực tương ứng với mức tiêu dùng; thời gian điều dưỡng luân phiên 5 năm/1 lần đối với người có công là quá dài, đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian điều dưỡng luân phiên xuống còn 2 hoặc 3 năm/lần; cần điều chỉnh cho thân nhân liệt sỹ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh khi cấp thẻ BHYT thay vì chỉ được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh hiện nay; xem xét cho phép giám định lại thương tật đối với những thương binh có vết thương tái phát nặng, phải phẫu thuật; nghiên cứu bổ sung chế độ ưu đãi với cha của liệt sỹ...
Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến, đề xuất của các sở, ban, ngành, UBND TP Hồ Chí Minh về những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công. Đoàn cũng đã trao đổi một số vấn đề xung quanh quá trình thực hiện Pháp lệnh và các văn bản liên quan, trong đó, tập trung vào hướng giải quyết số hồ sơ đề nghị hưởng các chính sách ưu đãi về người có công còn tồn đọng; việc xác nhận, giải quyết chính sách cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người dân bị phơi nhiễm khi sống trong vùng bị rải chất độc hóa học; công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt, xác định thông tin các mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin. Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP cùng các cơ quan liên quan rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách người có công; tập trung nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác chính sách với người có công các cấp, đặc biệt là cấp xã, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác chăm lo đời sống của những người có công với cách mạng, với đất nước.
|
Đoàn giám sát làm việc tại quận 5, TP Hồ Chí Minh. |
+ Trước đó, ngày 7/2, Đoàn giám sát của UBTVQH đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng tại quận 5 và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Tại quận 5, Đoàn giám sát đã ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của UBND quận về các vấn đề thời gian luân phiên điều dưỡng người có công, chính sách đối với thân nhân liệt sỹ tự đi tìm mộ, mức chi phí hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, phương tiện chỉnh hình và phục hồi chức năng, chính sách chăm lo về vật chất, tinh thần cho người có công. Đoàn giám sát cũng đã trao đổi, tìm hiểu các vấn đề thực hiện chính sách trợ cấp một lần, trợ cấp thường xuyên, chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, y tế, việc làm đối với 8.382 người có công tại quận; công tác xã hội hóa trong việc chăm lo đời sống người có công; công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại xung quanh chính sách ưu đãi người có công…
Giám sát tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, địa phương có đối tượng người có công chiếm tới 44,23% dân số toàn xã, Đoàn giám sát của UBTVQH đã tìm hiểu việc thực hiện chính sách, pháp luật, chăm lo đời sống đối với người có công của xã. Sau khi ghi nhận những cố gắng của xã Phú Mỹ Hưng việc thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công, Trưởng Đoàn giám sát Trương Thị Mai đề nghị lãnh đạo xã tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh xã hóa để có thêm các nguồn hỗ trợ người có công trên địa bàn xã, đặc biệt là các hộ chính sách thuộc diện nghèo.
Nhân dịp này, Đoàn giám sát cũng đã tới thăm và tặng quà cho các đối tượng người có công trên địa bàn quận 5 và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.