Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ NN và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

30/03/2012

Ngày 29.3, tại Hà Nội, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của UBTVQH đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ nhiệm UB Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh được QH, UBTVQH ban hành có nhiều điều khoản ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chính phủ cũng đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương này.

Giai đoạn 2006 - 2010, tổng vốn Nhà nước đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân khoảng 331.000 tỷ đồng, bằng 49,1% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước; trong đó, đầu tư cho phát triển sản xuất khoảng 116.000 tỷ đồng (chiếm 35% tổng vốn đầu tư cho khu vực); đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng KT – XH, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn khoảng 215.000 tỷ đồng (chiếm 65% tổng vốn đầu tư cho khu vực). Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực này đã tăng rất mạnh: giai đoạn 2009 - 2011, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 285.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006- 2008. Dư nợ vốn tín dụng đầu tư nhà nước cho khu vực này chiếm khoảng 25% tổng dư nợ vốn tín dụng đầu tư nhà nước cho nền kinh tế. Thống kê sơ bộ, đầu tư từ nguồn của các doanh nghiệp nhà nước vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân từ 2006 – 2010 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư công (vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ) cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng từ 4.295 tỷ đồng năm 2006 lên 9.919 tỷ đồng năm 2010 (tăng gấp 2,3 lần).

Theo đánh giá của hai Bộ, nhờ sự tập trung đầu tư này, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; kết cấu hạ tầng KT – XH ở nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; thu nhập và mức sống của đại bộ phận người dân nông thôn đã nâng lên, tỷ trọng hộ nghèo giảm rõ rệt (thu nhập bình quân 1 hộ nông thôn năm 2011 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 2,5 triệu đồng so với 2006; tỷ lệ hộ nghèo là 9,45% giảm 12% so với 2006).

Các thành viên trong Đoàn giám sát của UBTVQH đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cụ thể: đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân tuy đã tăng lên nhưng còn thấp so với yêu cầu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành; cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, đầu tư cho thủy lợi chiếm tỷ trọng lớn, đầu tư cho chương trình giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao còn thấp; việc phân định trách nhiệm đầu tư giữa trung ương và địa phương không rõ ràng; chưa huy động được nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho khu vực này... Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu đề nghị các bộ nhận thức chung rằng, chuyên đề giám sát tối cao của UBTVQH là cơ hội tốt để hoàn thiện chính sách, pháp luật và uốn nắn việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; yêu cầu các bộ có những đề xuất cụ thể về các chính sách, pháp luật, chỉ rõ nguồn lực để thực hiện và cải cách việc tổ chức, quản lý để đạt hiệu quả cao nhất.

Dự kiến, Báo cáo của Đoàn giám sát sẽ được trình UBTVQH tại Phiên họp tháng 4 tới.

H. Loan

(http://daibieunhandan.vn/)