Đoàn giám sát của UBTVQH họp nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương

10/08/2012

Ngày 9.8, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, đã tổ chức họp các Tổ giám sát nghe báo cáo kết quả giám sát tại các địa phương.

Thực hiện Chương trình hoạt động của UBTVQH năm 2012, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của UBTVQH đã chia thành 7 Tổ, tiến hành giám sát tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Báo cáo kết quả giám sát của 7 Tổ cho thấy, việc thực hiện những chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành và người dân quan tâm phối hợp triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương, sau khi có đất ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, hộ dân tộc được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nên chất lượng sống từng bước được cải thiện, giảm dần tính tự cung, tự cấp, chuyển sang sản xuất sản phẩm hàng hóa. Những địa phương có địa hình chia cắt, núi dốc, ít mặt bằng canh tác cũng kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn người dân khai hoang, phục hóa, giúp giải quyết một phần tình trạng thiếu đất. Tại các điểm tái định cư, các địa phương đều chú trọng lồng ghép đồng thời các chương trình, chính sách hiện hành để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân. Đời sống của người dân tại nơi cư trú mới đã dần ổn định, đồng bào yên tâm và tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

 Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát của các Tổ giám sát cũng cho thấy, mỗi vùng miền có điều kiện tự nhiên, trình độ dân trí, sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau nên có yêu cầu về đất ở, đất sản xuất khác nhau. Trong đó, tại khu vực miền Tây Nam bộ, các địa phương không chỉ không còn quỹ đất để hỗ trợ cho đồng bào mà đang có xu hướng chuyển sang sản xuất lớn, đòi hỏi phải tích tụ ruộng đất. Như vậy, ở những khu vực này đang đòi hỏi phải dừng triển khai hỗ trợ đất sản xuất, thực hiện các phương thức hỗ trợ khác để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo ghi nhận của các Tổ giám sát, tình trạng số hộ cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất tiếp tục tăng có nhiều nguyên nhân như: nhiều hộ gia đình tách khẩu, tăng dân số tự nhiên, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội… Vì vậy, Đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị, các bộ, ngành và địa phương cần rà soát lại những đối tượng thụ hưởng để xác định chính xác nhu cầu đất ở, đất sản xuất với từng địa bàn, từng dân tộc.

Các báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ: việc chưa hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số có nguyên nhân từ công tác xây dựng, hoạch định chính sách và quá trình triển khai. Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với các kiến nghị nêu trong báo cáo kết quả giám sát của 7 Tổ, trong đó kiến nghị QH sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, cụ thể là các quy định về bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí đủ vốn cho các chương trình, chính sách liên quan tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả việc thực hiện các quyết định của Chính phủ về giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và các chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, để địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc hoàn thành công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)