Là một tỉnh lớn, có mạng lưới giáo dục rộng khắp, năm học 2012 - 2013, Thanh Hóa có 2.171 trường, với 751.687 học sinh, toàn tỉnh có 3 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 9 trường trung cấp chuyên nghiệp, 92 cơ sở đào tạo nghề. Về đội ngũ nhà giáo, Thanh Hóa hiện có 54.041 cán bộ, công chức, viên chức, là tỉnh có số lượng cán bộ giáo viên đông thứ ba so với cả nước. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên trên 99,5%. Ngoài việc bảo đảm chế độ theo quy định, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với giáo viên nói chung và những giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên không đồng bộ, vừa thừa vừa thiếu, thiếu giáo viên các môn đặc thù (nhạc, họa, ngoại ngữ, công tác đoàn đội), thừa giáo viên các môn cơ bản, cụ thể tiểu học thiếu 1.219 giáo viên; THCS thừa 1.361 giáo viên...
Tại các buổi làm việc với UBND tỉnh và các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Đoàn giám sát đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất đối với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phù hợp hơn với học sinh nói chung và học sinh của địa phương nói riêng. Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay nặng tính hàn lâm, nhiều nội dung quá sức với học sinh; chưa quan tâm đúng mức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Vì thế, chương trình và sách giáo khoa mới (nếu có) cần cân đối lý thuyết với thực hành trong từng chương, từng bài để bảo đảm việc dạy và học; sắp xếp lại hệ thống kiến thức bảo đảm tính locgic, liên thông xuyên suốt từ lớp 1 lên lớp 12; cần chú trọng chương trình, nội dung, phương pháp dạy học tiếng Việt các lớp đầu cấp cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn...
Đoàn giám sát đánh giá cao thành tích của Thanh Hóa trong lĩnh vực giáo dục, ghi nhận những ý kiến, đề nghị của địa phương để tổng hợp báo cáo trước QH. Đoàn cũng đề nghị địa phương thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, bảo đảm chất lượng dạy và học…