Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn; và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa, nhìn chung các địa phương đã tuân thủ nghiêm các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, bảo đảm giữ ổn định tổ chức bộ máy, không thành lập các tổ chức trung gian. Các địa phương đều triển khai thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh Đảng và chính quyền, bố trí kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, xóm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Tuyên Quang Tô Hoàng Linh cho biết, việc bố trí kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã đã giúp giảm chi ngân sách từ 2,4 tỷ đồng/năm xuống còn 1,9 tỷ đồng/năm; bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, xóm giúp tiết kiệm 1,5 tỷ đồng/năm; bố trí Phó trưởng thôn, xóm kiêm công an viên tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng/năm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa Nguyễn Việt Lâm cũng nêu rõ, thực hiện kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã giúp thuận lợi hơn trong việc bố trí cán bộ có trình độ từ Trung cấp trở lên.
Mặc dù có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác với TP.Tuyên Quang, hay huyện phát triển như Chiêm Hóa, thì các huyện Na Hang, Hàm Yên... đều đã xây dựng xong Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cũng như Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Song, các địa phương lại có chung vướng mắc: Do nhiều Bộ quản lý chuyên ngành chưa hoàn thiện quy định hệ thống chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, nên đã lúng túng trong quản lý, sử dụng viên chức theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, để triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, TP.Tuyên Quang và các huyện đề nghị cần xem xét, phân bổ biên chế đối với chức danh chuyên trách của Hội đồng nhân dân huyện.
Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận các kết quả TP. Tuyên Quang và các huyện đạt được, đề nghị báo cáo cần nêu cụ thể về loại hình văn bản pháp luật gây lúng túng cho địa phương, cũng như sự không tương thích giữa quy định với đòi hỏi của thực tiễn quản lý, điều hành ở địa phương; bổ sung đánh giá so sánh tính hiệu quả giữa mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hoan nghênh việc các địa phương đã triển khai cải cách tổ chức bộ máy hành chính đồng bộ, bám sát các chính sách, pháp luật của Trung ương, văn bản chỉ đạo của tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt việc kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách và nhất thể hóa một số chức danh Đảng và chính quyền. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các cấp cần phân biệt rành mạch hai khái niệm kiêm nhiệm (một người có nhiệm vụ chính và nhiệm vụ phụ) và nhất thể hóa chức danh (một người thực hiện hai việc), để triển khai thực hiện đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các địa phương đều bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đặc biệt, ở các Trung tâm hành chính công đã chủ yếu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp qua hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Nhưng từ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử của một số tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, TP.Tuyên Quang và các huyện, xã, thị trấn nên chủ động trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác về đầu tư cho công nghệ thông tin, góp phần xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, bài bản, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.