​XÁC ĐỊNH RÕ QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG

10/03/2022

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, Bộ Xây dựng đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện các quy định tại Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đã báo cáo, trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Trong quá trình soạn thảo Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao chủ trì dự thảo Nghị định; tham gia ý kiến bằng văn bản và các phiên họp theo quy định. Quy định đối với các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP chủ yếu liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt 02 quy hoạch ngành quốc gia là: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, 02 quy hoạch của ngành khá chậm so với yêu cầu đề ra.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về công tác quy thoạch nói chung, công tác quy hoạch đô thị nói riêng, Bộ Xây dựng đã xác định rõ quan điểm hoàn thiện và thực hiện chính sách pháp luật.

Cụ thể: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch phải đảm bảo bám sát các định hướng, chiến lược phát triển của đất nước; đảm bảo trật tự, kỷ cương trong triển khai tổ chức thực hiện pháp luật; Tạo lập đầy đủ hành lang pháp lý để bảo đảm quy định đầy đủ về các mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong công tác quy hoạch; tăng cường phản biện xã hội và cơ chế giám sát của nhân dân đối với công tác quy hoạch. Các chính sách pháp luật về quy hoạch cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cần bảo đảm dân chủ, thực chất và thu hút sự tham gia rộng rãi của các chủ thể trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật; không bị tác động bởi các quan điểm, tư tưởng lệch lạc; đẩy nhanh tốc độ để sớm xây dựng, hoàn thiện được hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, gắn kết chặt chẽ với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Bảo đảm đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động, chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng; kịp thời thích ứng với những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế. Việc xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về quy hoạch phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.

 Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành làm việc với Bộ Xây dựng

Trên cơ sở quan điểm trên, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy thoạch là các quy định pháp luật về công tác quy hoạch và các pháp luật khác liên quan như đấu thầu, đầu tư công, tài chính, ... phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý phát triển của đất nước trong giai đoạn tới; phương pháp quy hoạch cần tích hợp, đa ngành. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đảm bảo lộ trình tổ chức lập, phê duyệt, thực hiện các quy hoạch là khả thi và thiết thực; xác định đúng những quy định, nút thắt, điểm nghẽn để tạo cơ chế, sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch. Tăng cường việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch. Đảm bảo xây dựng thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới.

Để triển khai hiệu quả chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung các quy định pháp luật hưởng dẫn chi tiết đối với công tác lập, thẩm định hợp phần quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để kịp thời đáp ứng tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; Xây dựng Luật quy hoạch đô thị, nông thôn trên cơ sở rà soát, tổng kết công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 và pháp luật liên quan; đảm bảo thống nhất trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia có liên quan đến nhiều, ngành, lĩnh vực; có yêu cầu cao trong phương pháp quy hoạch tích hợp.

Ngoài ra, cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật mang tính quy phạm pháp luật, có tính hiệu lực cao để việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch hiệu quả. Kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật được đánh giá đầy đủ tác động chính sách trên toàn hệ thống pháp luật có liên quan./.

Hồ Hương