TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM TIẾP CÔNG DÂN ĐỊNH KỲ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ GẮN VỚI ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

17/04/2022

Trong tuần đầu tháng 4/2022, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã có buổi làm việc với 8 bộ, ngành. Liên quan đến việc thực hiện tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, một số ý kiến đề nghị sửa đổi quy định cho phép cấp trưởng được ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân. Tuy nhiên, thành viên Đoàn giám sát cho rằng cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện nghiêm quy định của Luật.

Đề xuất bổ sung quy định về ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ

Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công an, Lao động Thương binh và Xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì các buổi làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, ngành 

Báo cáo trước Đoàn giám sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trong kỳ báo cáo, tổng số lượt tiếp công dân của Viện kiểm soát nhân dân các cấp là hơn 126.000 lượt, trong đó tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu là hơn 1.000 lượt. Về cơ bản, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp đều thực hiện tiếp công dân theo định kỳ ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. 

Bộ Tư pháp đã tiếp hơn 2.300 lượt công dân. Từ tháng 4/2015- tháng 12/2021, lãnh đạo Bộ đã tiếp 95 lượt công dân.

Với Bộ Công an, Công an các cấp đã tiếp hơn 231.000 lượt công dân, bao gồm cả những vụ việc không liên quan đến ngành.

Bộ Xây dựng đã tiếp 770 lượt công dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tiếp công dân định kỳ 60 ngày, thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật, mỗi tháng tiếp công đân định kỳ 1 ngày vào ngày thứ Sáu của tuần thứ 3 hàng tháng. Sau cuộc tiếp, Bộ Xây dựng đều ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng đối với từng vụ việc.

Tòa án nhân dân các cấp cũng đã tiếp hơn 482.000 lượt công dân.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp hơn 14.000 lượt công dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp hơn 1.900 lượt công dân trong kỳ báo cáo.

Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp công dân thường xuyên hơn 75.000 lượt người.

Cũng tại các buổi làm việc, các cơ quan đã các kiến nghị, đề xuất. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Chính trị sơ kết việc thực hiện Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ đều có chung kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tiếp công dân theo hướng cho người đứng đầu cơ quan (gồm Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố) được ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân thay trong trường hợp bận công tác đột xuất.

Cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chủ động bố trí thời gian tiếp công dân định kỳ

Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng tại buổi làm việc của Đoàn giám sát

Trao đổi bên lề buổi làm việc của Đoàn giám sát về vấn đề này, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – thành viên Đoàn giám sát cho rằng, nếu như người đứng đầu thực hiện nghiêm thì việc tiếp công dân sẽ đến nơi đến chốn. Không tán thành với lý do bận công tác dẫn đến không thể tổ chức tiếp công dân của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương,

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là nội dung đã được luật hóa và luật không cho phép ủy quyền. Phó trưởng Ban Dân nguyên cho rằng, mỗi một tháng, Bộ trưởng hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ phải tổ chức tiếp dân một ngày, do đó, hoàn toàn có thể sắp xếp để trực tiếp gần dân, có thể hủy bỏ các cuộc khai trương, ủy quyền cho những người khác đi các cuộc họp nhưng phải trực tiếp tiếp dân theo đúng tư tưởng của Bác Hồ là “gần dân, học dân, trọng dân”. Hơn hết người đứng đầu phải nêu gương tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quy định về việc tiếp dân không cần phải sửa đổi luật mà sửa chính mình, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn khẳng định quy định về tiếp công dân của người đứng đầu là quy định rất là đúng đắn, thể hiện quyền dân chủ cũng như tăng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống cơ quan nhà nước. Do đó, cần phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, luật cũng quy định trong trường hợp người đứng đầu không bố trí sắp xếp được tiếp công dân thường xuyên thì có thể lùi thời gian tiếp. Mặt khác, lịch tiếp công dân định kỳ do cơ quan, người đứng đầu chủ trì xây dựng, chủ động xác định thời gian.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, để thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao, bên cạnh việc bố trí lịch tiếp theo đúng quy định cũng cần có sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ trong việc thông báo đến người dân để người dân nắm được thông tin.

Cần coi việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân là một tiêu chí để đánh giá cán bộ

Đánh giá bước đầu về những nguyên nhân của việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các bộ, ngành hầu như chưa thể thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho rằng có hai nguyên nhân. Một là về khách quan, do tính chất công việc của những người đứng đầu các cơ quan, Bộ trưởng các Bộ với bộn bề công việc quản lý nhà nước của Bộ và của địa phương. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc sắp xếp thời gian để tiếp công dân. Hai là về chủ quan, là ý thức của người đứng đầu, đôi khi có lúc có nơi còn coi nhẹ, không xác định rõ đây là trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Dẫn đến có nơi việc tiếp công dân định kỳ không đạt được theo yêu cầu.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, từ khi có Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, cùng với quy định tại Luật Tiếp công dân đã khẳng định yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy phải tiếp công dân định kỳ. Trong đó, định kỳ ở đây được hiểu là phải đăng ký, thông báo cho người dân thời gian 1 tháng 1 lần để người dân được biết.

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, khi đã có các quy định của Đảng và pháp luật thì cần có đánh giá, có ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc. Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng cho rằng cần coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, lãnh đạo hàng năm.

Bảo Yến