LINH HOẠT ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ TRONG CÁC LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

22/07/2022

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bô đã thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ, báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đối với việc nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 02/06/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020 (Quyết định số 775/QĐ-TTg). Trong giai đoạn qua, việc ứng dụng NLNT trong nghiên cứu đột biến tạo giống đã đạt được thành công đáng ghi nhận.

Theo đánh giá của IAEA,Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới về nghiên cứu đột biến tạo giống. Tháng 8/2017, giống lúa đột biến N25 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức và cho phép sản xuất ở các tỉnh phía Bắc. Lĩnh vực chiếu xạ phục vụ xuất khẩu trái cây và thủy hải sản sang các thị trường đòi hỏi cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc… đã có sự tăng trưởng đáng kể, góp phần tạo ra tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 40% hàng năm với giá trị kim ngạch tăng từ 1 tỷ USD năm 2013 lên 3,8 tỷ USD trong năm 2018. Quả vải của tỉnh Bắc Giang và quả xoài của tỉnh Sơn La lần đầu tiên đã được xuất khẩu vào thị trường Úc nhờ xử lý chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Được sự hỗ trợ tích cực của IAEA và EU, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) tiếp tục được các nhà khoa học tại Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai nghiên cứu trong quản lý ruồi hại quả thanh long diện rộng phục vụ phát triển xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thiết bị chiếu xại Gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng góp phần phục vụ các nhà khoa học lĩnh vực di truyền nông nghiệp chủ động  nghiên cứu xác định được liều hiệu quả để thu được đột biến có lợi cho chọn tạo giống cây trồng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Đối với việc nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong công nghiệp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong công nghiệp đã đạt được một số kết quả trên cả 4 lĩnh vực NDT, NCS, TRACER và chiếu xạ công nghiệp, trong đó, lĩnh vực NDT đóng góp tích cực ở tất cả các công trình trọng điểm trong nước. Để góp phần triển khai “Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế-kỹ thuật khác đến năm 2020” (Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 20/01/2011), Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã ứng dụng thành công kỹ thuật soi tia gamma để kiểm tra hơn 1000 van phục vụ công tác lắp đặt tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) và một số đơn vị đã phát triển năng lực ứng dụng kỹ thuật dòng điện xoáy trong việc kiểm tra định kỳ các thiết bị sinh hơi của nhà máy đạm Cà Mau, Phú Mỹ, nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy nhiệt điện. Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) tiếp tục hỗ trợ chuyên gia cho Cuba trong việc triển khai dự án khôi phục thiết bị chiếu xạ tại Viện nghiên cứu thực phẩm La Habana (Cuba). Ứng dụng kỹ thuật Tracer trong khảo sát cho các pha dầu, nước và khí với hơn 20 chất khác nhau đã được IAEA và các nước đánh giá cao.

Với việc nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ, để góp phần triển khai “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2011 và thực hiện Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đã xây dựng Bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho 5 khu đô thị, dân cư lớn và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2019.  Đến nay, 27 trạm quan trắc phóng xạ đã được xây dựng tại các mỏ có chứa phóng xạ trên 16 tỉnh, thành. Trong công tác dự báo và phòng ngừa thiên tai, đã và đang tiến hành quan trắc một số thông số bức xạ tự nhiên tại 14 trạm khí tượng bề mặt, 3 trạm odôn - bức xạ cực tím (dự kiến đến năm 2020 sẽ quan trắc bức xạ trên 18 trạm khí tượng và 4 trạm).

Các tổ chức nghiên cứu của Bộ KH&CN đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật thủy văn - đồng vị trong điều tra đánh giá tài nguyên nước. Nghiên cứu ô nhiễm khí độc và kim loại nặng trong không khí ở một số thành phố lớn, thông qua hợp tác với Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Đubna (Nga), Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp Osaka (Nhật Bản). Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2020-2022) nhiệm vụ triển khai, đánh giá, xây dựng bộ dữ liệu phông phóng xạ môi trường trong khu vực có khả năng chịu anh hưởng sớm bởi sự cố hạt nhân ngoài biên giới phía Bắc phục vụ công tác ứng phó sự cố.

Ngoài ra, trong lĩnh vực Quang điện tử và Laser, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trên cơ sở đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ chế thử màng giảm phản xạ cho linh kiện quang học của các thiết bị ảnh nhiệt” đã chế tạo mẫu màng giảm phản xạ vùng hồng ngoại 8-12 micromet cho các thấu kính Ge, thử nghiệm thành công trên kính quan sát ảnh nhiệt do Trung tâm KHCN quân sự nghiên cứu chế tạo. Thử nghiệm thành công mạ màng phản xạ và màng bảo vệ gương kích thước lớn (đường kính 600mm) sử dụng cho hệ Lidar tầm xa được phát triển tại Viện Vật lý (Viện hàn lâm KHCN Việt nam), góp phần đưa Việt nam vào vị trí dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế chế tạo hệ Lidar quan trắc môi trường.

Đặc biệt, việc sử dụng những kết quả nghiên cứu về màng mỏng quang học của Trung tâm QĐT (từ những năm 2013) đã giúp cho công trình “Nghiên cứu thiết kế chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo” của nhóm tác giả Xí nghiệp 23, nhà máy Z199, Tổng cục công nghiệp Bộ quốc phòng. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, hiện nay, đã hoàn thành 01 hệ laser rắn Nd: YAG ứng dụng để hàn các vật liệu kim loại, 01 thiết bị điều trị dựa trên hiệu ứng Từ-Nhiệt-Cơ, 01 nguyên mẫu thiết bị quét 3D đạt chất lượng ngang quốc tế.

Hồ Hương