GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: BỘ Y TẾ LUÔN ĐỨNG ĐẦU TRONG TOP CHẬM GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

08/08/2022

Sáng ngày 08/8/2022, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp của Đoàn giám sát về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Toàn cảnh Đoàn giám sát của Quốc hội về  thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế.

Tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường (Phó Trưởng Đoàn thường trực); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (Phó Trưởng Đoàn giám sát); Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Phó Trưởng Đoàn giám sát); các thành viên và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.

Về phía cơ quan báo cáo có Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Quốc hội, Đoàn Giám sát làm việc với Bộ Y tế.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị trên cơ sở nội dung đã được đề cập trên đề cương, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua cũng như nhiệm vụ của Bộ Y tế trong việc tham mưu cho Chính phủ, qua đó đề xuất cách làm hay, hiệu quả tiết kiệm các nguồn lực của đất nước; đồng thời đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vương mắc, nguyên nhân và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, nhất là người đứng đầu. Qua giám sát phát hiện vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật, hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, pháp luật liên quan, đặc biệt là pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện vi phạm, có thể kiến nghị đình chỉ, kiến nghị xử lý theo quy định.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quá trình giám sát tiếp tục quán triệt quan điểm đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Về nội dung giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên tập trung xem xét việc ban hành văn bản thực hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ Bộ Y tế; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan đơn vị của Bộ Y tế; công tác quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động; công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành y tế…

Xem xét đánh giá việc tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên lĩnh vực quản lý nhà nước mà bộ có trách nhiệm tham mưu, như tham mưu ban hành chính sách pháp luật, đánh giá tác động, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức, thanh tra kiểm tra nhiệm vụ của bộ, tổng kết thực tiễn, đề xuất kiến nghị chính sách và hoàn thiện pháp luật, xã hội hóa y tế…

Xem xét kiến nghị đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và hệ thống pháp luật liên quan, các giải pháp giải quyết vướng mắc trước mắt cũng lâu dài…

Giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã rà soát, chuẩn hóa và bãi bỏ gần 200 thủ tục hành chính.

Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành theo thẩm quyền.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành Bộ Y tế đã xây dựng một số văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức để thực hiện xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu và tiêu chí để đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thể hiện trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Y tế. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Thủ tưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế trong công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nhân lực trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao và trong sử dụng ngân sách nhà nước.

Tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và trong cuộc sống hàng ngày.

Chấp hành các cơ chế quản lý tài chính mới, nhằm nâng cao năng lực quản lý thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ quan, tổ chức, đến năm 2021 Bộ Y tế đã giao khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 100% đơn vị hành chính thuộc Bộ; giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 100% đơn vị.

Đối với công tác cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã rà soát, chuẩn hóa và bãi bỏ gần 200 thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh với tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm ước tính khoảng 570 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện hoạt động đấu thầu đã chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hành thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng sắp xếp, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc từ 82 còn 80 đơn vị…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa ý thức được việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan; chưa đưa vào Nghị quyết của cơ quan, của tổ chức Đảng tại cơ quan.

Việc thực hành tiết kiệm chưa gắn với việc kiểm tra, giám sát, việc triển khai tại các cơ quan chưa đồng bộ. Việc xây dựng các tiêu chí tiết kiệm còn khó khăn; chưa xây dựng được một bộ tiêu chí tiết kiệm cụ thể và đầy đủ. Việc thực hiện các chế độ báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa được các đơn vị chấp hành đúng quy định; chưa được Thủ trưởng các đơn vị quan tâm…

Báo cáo do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Đoàn Giám sát cũng nêu một số giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Y tế chưa toàn diện, đầy đủ.

Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát và sự phân công của Trưởng Đoàn giám sát, Tổ công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Tổ trưởng đã làm việc với Bộ Y tế và có báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Báo cáo của Tổ công tác khẳng định, Báo cáo của Bộ Y tế gửi Đoàn giám sát còn chậm, chưa bảo đảm thời hạn theo yêu cầu của Đoàn giám sát; nhiều nội dung, thông tin, số liệu chưa báo cáo đầy đủ theo yêu cầu. Báo cáo còn mang tính chất liệt kê các hoạt động đã thực hiện, chưa làm nổi bật kết quả tiết kiệm, chống lãng phí; một số nội dung còn chưa được đánh giá sâu, nhất là về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày báo cáo kết quả bước đầu về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có sự tiến bộ qua các năm nhưng vẫn chưa bảo đảm về thời hạn ban hành. Việc xây dựng bộ chỉ tiêu, tiêu chí tiết kiệm còn chưa cụ thể, dẫn tới việc đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được toàn diện, đầy đủ. Ngoài ra, tình trạng rút dự án luật ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hay chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả của việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phần nào gây ra sự lãng phí nguồn lực nhà nước, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc giải ngân vốn đầu tư hàng năm còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn cung còn thấp, gây lãng phí nguồn lực, nhất là đối với nguồn vốn nước ngoài ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư cho bệnh viện tuyến cuối.

Tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định của háp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, test kit COVID-19, nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng tài sản công, chưa kiểm soát được hết tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu. Một số cán bộ chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với bệnh viện công lập còn nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 càng thách thức khả năng tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh bởi số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm đáng kể do thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội… làm giảm mạnh nguồn thu của các bệnh viện…

Bộ Y tế luôn đứng trong top đầu của top chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu cho rằng, báo cáo của Bộ Y tế nêu tương rõ việc thực hành tiết kiệm trong nội bộ của Bộ tương đối rõ, nhưng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngành quản lý trên cả nước còn mờ nhạt.

Chia sẻ với ngành y tế và cá nhân Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mới nhận nhiệm vụ, phải giải quyết nhiều tồn đọng, vướng mắc của ngành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu của Bộ Y tế, cơ bản thống nhất với nhận định của Tổ công tác đã bám nội dung cơ bản của Đoàn giám sát, nhưng nội dung báo cáo còn nhiều chung chung, chưa lượng hóa, chưa nêu bật được số liệu tiết kiệm là bao nhiêu; đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, hoàn thiện báo cáo bám sát vào các quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế làm rõ vì sao chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tổng thể của ngành, các mục tiêu cụ thể; việc đánh giá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn như thế nào? Ngoài ra, báo cáo của Bộ Y tế nêu đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng trong giai đoạn 2016-2021 vẫn chưa triển khai cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề nào về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu thực trạng lãng phí tại Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Đây là 2 dự án được kỳ vọng sẽ giảm quá tải cho hai bệnh viện tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay sau nhiều năm triển khai vẫn chưa đưa vào sử dụng. Vấn đề này cũng được cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời gian tới có tiếp tục xây dựng hai dự án này, nếu có thì khi nào hoàn thành, hoạt động có hiệu quả được không, Bộ Y tế có kế hoạch gì, bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng bệnh viện vệ tinh thời gian qua như thế nào?.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu thực trạng lãng phí đầu tư công thuộc Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam.

Nhiều ý kiến cũng nêu tồn tại phổ biến ở các bệnh viện công hiện nay đó là có nhiều bệnh viện công tổ chức phòng khám dịch vụ, khu điều trị dịch vụ, máy móc dịch vụ. Đại biểu khẳng định, điều này ẩn chứa nguy cơ lạm dụng nhân lực tại bệnh viện công, lãng phí đất đai, cơ sở máy móc thiết bị được trang bị bằng vốn đầu tư công. Đồng tình với quan điểm này, một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng có sự nhập nhèm trong quản lý của nhiều cơ sở y tế, có căn cứ, cơ sở nào để kiểm soát giá tại các phòng khám dịch vụ, khu điều trị vụ… Đây là vấn đề Bộ Y tế cần sớm rà soát lại hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ tại bệnh viện công để chống lãng phí đầu tư công, nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Nguyễn Anh Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, theo báo cáo của Bộ y tế có 3/10 dự án sử dụng vốn ODA, nhưng vẫn chưa nêu rõ việc sử dụng như thế nào? Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học, giáo dục 5 năm qua đã triển khai bao nhiêu đề tài, có ứng dụng trong thực tế không, kèm theo danh mục các đề tài chưa được nêu rõ trong báo cáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, mục tiêu cuối cùng Quốc hội tiến hành giám sát là đưa ra khuyến nghị về chính sách. Lĩnh vực y tế là điểm nóng, các thành viên Đoàn giám sát muốn lắng nghe trong các chính sách hiện nay đang vướng ở điểm nào, nhưng Báo cáo của Bộ Y tế chưa đưa ra phụ lục, danh mục cụ thể điều khoản nào bất hợp lý gây nên các vướng mắc trong thời gian qua.

“Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng top đầu của top chậm giải ngân vốn đầu tư công”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai khẳng định. Có những năm tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Y tế chỉ đạt 19%, có dự án cả giai đoạn giải ngân chỉ đạt 13%. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn, khi phân bổ nguồn lực, có 2 lĩnh vực được quan tâm là y tế và giáo dục nhưng khi được phân bổ tỷ lệ giải ngân tại ngành Y tế thấp sẽ gây lãng phí rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu vấn đề quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa hiệu quả, đề nghị Bộ Y tế đánh giá cụ thể hơn về công tác này. Đại biểu nêu con số trong một năm cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chỉ xử lý được vài chục vụ vi phạm (xử phạt hành chính gần 2 tỷ/năm). Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu trong thực tế vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nơi, nọi lúc, trong khi đó báo cáo của Bộ Y tế không phản ánh đúng thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm.

Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo với Đoàn giám sát về một số vấn đề đại biểu nêu, trong đó khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở bám sát đề cương, bổ sung số liệu, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và kiến nghị cụ thể vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng báo cáo với Đoàn giám sát một số vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị ngành y tế; bất cập trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế công lập… Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của ngành đến thời điểm này mới đạt 3,1%. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm, liên quan đến nhiệm kỳ trước. Hiện việc giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng mắc tại các dự án xây dựng các bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Những bất cập tại các dự án này đã vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế, về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, với 12 ý kiến phát biểu về 49 vấn đề, các thành viên Đoàn giám sát đã góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, trong đó nhiều đại biểu chia sẻ với Bộ Y tế đã trải qua cơn địa chấn lớn cả về công tác phòng chống dịch bệnh và công việc nội bộ. Phát biểu của Quyền Bộ trưởng đã thẳng thắn nêu những vấn đề tồn tại và một số khó khăn về cơ chế, chính sách với Đoàn giám sát.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực hy sinh của ngành y trong tuyến đầu chống dịch COVID-19, cùng với các lực lượng khác phòng chống dịch hiệu quả, góp phần phục hồi kinh tế đất nước. Hai năm qua là thử thách cam go không chỉ của đất nước nói chung, mà của cả ngành y tế, các thầy thuốc đã lặng thầm cống hiến hy sinh cho sự tồn vong của dân tộc. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau cuộc giám sát này, trong năm 2023 sẽ có cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội về năng lực phòng chống COVID-19 và hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đoàn giám sát cũng chia sẻ với Bộ Y tế về một số chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế và hệ thống pháp luật liên quan còn vướng mắc, bất cập, khó xử lý, khó đánh giá. Trong đó, trong pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý kiến cho rằng, một số quy định trong luật còn mang tính cương lĩnh, chủ trương nhiều hơn là quy định cụ thể, do đó trong quá trình thực hiện không tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của Nhân dân trong đó có cán bộ nhân viên ngành y. Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc (6 tháng năm 2022 gần 10 nghìn viên chức y tế trong bệnh viện công xin thôi việc) là thực trạng đáng quan tâm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm.

Sau buổi này giám sát này, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát. Từ góc nhìn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá kết quả những việc đã làm được. Bộ Y tế cũng cần nêu rõ cách làm hay, hiệu quả đã triển khai; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục.

Đối với đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết, kiệm, chống lãng phí và hệ thống chính sách pháp luật liên quan, với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Y tế cần nêu cụ thể cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nào.

Bộ Y tế cần tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đề nghị khắc phục mà không cần đợi đến khi có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Vấn đề vượt thẩm quyền của bộ, cần thống kê, báo cáo với Đoàn giám sát…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Y tế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Y tế còn chung chung, nhất là việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngành quản lý trên cả nước còn mờ nhạt.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị Bộ Y tế làm rõ việc quản lý, sử dụng vốn ODA.

Các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế.

Các đại biểu phát biểu cho ý kiến về việc lãng phí trong chậm giải ngân vốn đầu tư công, liên thông xét nghiệm khi chuyển tuyến bệnh viện.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác