TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024
Hoạt động giám sát tiếp tục có nhiều đổi mới.
Đánh giá về hoạt động giám sát năm 2023, những tháng đầu năm 2023, nhiều đại biểu khẳng định, thời gian qua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế và các quy định hướng dẫn phục vụ công tác giám sát. Giám sát tối cao, giám sát chuyên đề được đổi mới, tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng đổi mới và tăng cường, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.
Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
“Có thể xem giám sát là phép thử của văn bản pháp luật áp dụng trong điều kiện thực tiễn. Hoạt động giám sát có tác động đến hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các biện pháp thực hiện hiệu quả các chương trình. Qua hoạt động giám sát, những lỗ hổng pháp luật được lấp đầy, các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình được hoàn thiện để pháp luật ngày càng sát hơn với hoạt động của bộ máy nhà nước, đời sống Nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp đưa kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển”, đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu quan điểm:
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát của Quốc hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều đổi mới như: Đã ban hành Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ban hành Nghị quyết về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Một điểm mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được đại biểu nhắc đến, đó là công tác triển khai quán triệt để thực hiện chương trình giám sát hàng năm, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai chương trình giám sát năm trực tuyến và kết nối tất cả các tỉnh do trực tiếp đồng chí Chủ tịch Quốc hội chủ trì và có sự tham gia của các đồng chí thường trực tỉnh, thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Hoạt động này tạo ra một sự thống nhất, đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện từ trung ương, địa phương và đồng thời cũng tránh được sự chồng chéo về nội dung giám sát giữa Quốc hội với địa phương. Tôi đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy điểm mới này trong những năm tiếp theo.
Hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát.
Tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2024, với mong muốn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm.
Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị tiếp tục phân định rõ, nâng cao tính đồng bộ và sự kế thừa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.
Về công tác bảo đảm các điều kiện thực hiện giám sát, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát, sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát có thể xem xét phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan để theo dõi việc triển khai thực hiện kết quả giám sát và có đánh giá định kỳ; Đồng thời hoàn thiện cơ chế giám sát và đặc biệt là tăng cường năng lực và hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng các quy định của pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Đại biểu dẫn chứng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; chưa có quy định về việc thành lập đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nên đối với những Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉn có ít đại biểu Quốc hội rất khó thành lập đoàn giám sát.
Kiến nghị Quốc hội xây dựng chương trình giám sát toàn khóa, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nếu có chương trình giám sát toàn khóa sẽ giúp Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chủ động trong việc xây dựng chương trình giám sát trong các năm tiếp theo. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và các tổ chức liên quan cũng sẽ căn cứ vào chương trình giám sát để tổ chức thực hiện và chuẩn bị cho chương trình giám sát Quốc hội. Đại biểu cũng đề xuất, tùy theo điều kiện cụ thể thì hàng năm Quốc hội có thể tiến hành điều chỉnh bổ sung cho phù hợp vào kỳ họp giữa năm.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần hạn chế những việc chọn chuyên đề có phạm vi điều chỉnh của các luật có hiệu lực thi hành ngắn, nên chọn những chuyên đề thuộc phạm vi điều chỉnh của các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 2 đến 3 năm để đánh giá đầy đủ kết quả, hạn chế và đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện một cách phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng, khi triển khai thực hiện kế hoạch giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương cần chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triển khai hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát cần phải lập hồ sơ đảm bảo chặt chẽ, trong đó thể hiện đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát, từ quyết định thành lập Đoàn giám sát, báo cáo của đơn vị giám sát, các tài liệu có liên quan, các tài liệu kết thúc cuộc giám sát, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, yêu cầu của cuộc giám sát.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cần tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát lại với mục đích đánh giá toàn diện việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề của Chính phủ và các cơ quan liên quan, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu chịu sự giám sát. Cần quan tâm giám sát thực hiện lời hứa chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên kiến nghị.
Về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chất vấn, tăng cường tranh luận, làm rõ vấn đề trách nhiệm bằng giải pháp khắc phục trong chất vấn và trả lời chất vấn. Kết luận tổng thể phiên chất vấn tại kỳ họp cần đánh giá kết quả trả lời chất vấn của người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành như sử dụng phiếu đánh giá trả lời chất vấn để đại biểu Quốc hội cho ý kiến; Đồng thời, tăng cường hoạt động giải trình các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội.