Tham dự Đoàn còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia năng lượng.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát nhấn mạnh, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều dự án về năng lượng, trong đó đặc biệt có những dự án điện khí trọng điểm nên những khó khăn vướng mắc cần được nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, đặc biệt phải rõ kiến nghị, rõ giải pháp tháo gỡ vướng mắc gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Theo đó, 5 nhóm vấn đề Đoàn giám sát tập trung trao đổi, phân tích, đánh giá gồm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai; đánh giá quy hoạch và phương án phát triển năng lượng đã được tính hợp vào quy hoạch của tỉnh; quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất với các công trình phục vụ phát triển năng lượng trên địa bàn; điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên dầu khí.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 33 công trình nguồn điện đã vận hành phát điện với tổng công suất thiết kế là 1.586,26MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.651,01 triệu kWh. Bao gồm 28 công trình thủy điện thuộc quy hoạch, 04 công trình thủy điện nhỏ không thuộc quy hoạch với tổng công suất là 8,9MW và Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (30MW).
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 1.412 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư lắp đặt với tổng công suất lắp đặt là 164.529,88kWp. Ngoài ra, quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn có các dự án điện sinh khối và điện khí, tuy nhiên, các dự án này đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư hoặc vẫn chưa được khởi công xây dựng. Quảng Nam là địa phương không có quy hoạch và phát triển các nguồn năng lượng về gió, điện mặt trời, địa nhiệt, điện sóng cũng như không có định hướng phát triển năng lượng nguyên tử trong tương lai cũng như không có khai thác khoáng sản phóng xạ (urani và torin) tại địa phương.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam
Báo cáo cũng cho thấy, đa số các dự án năng lượng tái tạo có trong quy hoạch đã hoàn thành công tác đầu tư hoặc đang thi công xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc về giá nhưng đã xử lý tốt. Các dự án thuỷ điện đã đảm bảo công tác đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho 1.534 người lao động địa phương trong quá trình xây dựng cũng như vận hành phát điện.
Đại diện Sở Công thương, đơn vị trình bày cho biết thêm, tỉnh có 29/40 công trình thủy điện trong quy hoạch đã vận hành phát triện, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.503,63 triệu kWh. Các dự án thủy điện trên địa bàn đều thực hiện đầy đủ, bảo đảm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng và đã hoàn thành công tác trồng rừng thay thế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (ngồi giữa) tham dự buổi làm việc
Đối với nội dung phát triển than, hiện trữ lượng than trên địa bàn tỉnh tại Mỏ than Nông Sơn đảm bảo cung cấp cho sản xuất điện cho Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn cũng như đảm bảo cung cấp năng lượng than để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2016-2021, khối lượng than tiêu thụ cho thị trường là 737.890 tấn; dự kiến giai đoạn 2021-2025 , khối lượng than tiêu thụ cho thị trường là 614.694 tấn.
Đối với nội dung phát triển dầu khí, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 196 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trên 18 huyện, thị xã, thành phố, trong đó với 182 cửa hàng cố định trên đất liền và 14 tàu bán dầu lưu động trên sông và ven biển phục vụ cung ứng cho sản xuất và phương tiện lưu thông. Sản lượng các cửa hàng xăng dầu cung ứng ra thị trường trung bình 90- 100m3/tháng tương đương 90.000 lít-100.000 lít.
Quảng Nam cũng thực hiện tốt việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy sử dụng năng lượng trọng điểm như sắt, thép, xi măng, thực phẩm, đối với lĩnh vực giao thông, vận tải. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, kết hợp ứng dụng trang thiết bị tiết kiệm điện trong sinh hoạt, dịch vụ. Thậm chí, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm tại các cơ quan công sở...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh
Về bảo đảm an ninh năng lượng, Quảng Nam không những bảo đảm cung cấp năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn mà còn cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia khi Giai đoạn 2016 - 2021, các nhà máy điện trên địa bàn đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia được 24,90 tỷ kWh.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam chỉ ra rằng, quy hoạch các nguồn điện nhỏ, lưới đấu nối và truyền tải cấp điện từ 110kV trở xuống sau khi Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt khi cần điều chỉnh phải trình Bộ thẩm định, phê duyệt bổ sung, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư, không đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, Chính phủ sớm ban hành quy định về bàn giao, tiếp nhận tài sản các công trình điện để có cơ sở triển khai thực hiện, bảo đảm cung cấp điện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiên quyết trong việc xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắcsẵn sang chấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi chủ trương đầu tư nếu các chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu cũng như tuân thủ quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc
Đánh giá cao bức tranh toàn cảnh về quy hoạch, phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Nam, nhưng nhiều ý kiến đề nghị tỉnh cần quan tâm triển năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay. Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tỉnh Quảng Nam, cần nghiên cứu thêm để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, hướng tới tiếp cận nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, cần lưu ý việc xử lý, thu gom pin hỏng, tránh gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Đại biểu Dương Văn Phước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời gian tới, điện mặt trời chính là cứu cánh trong bối cảnh khan hiếm năng lượng, tuy nhiên loại hình sản xuất điện thiết thực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dễ thi công, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng cơ chế vẫn còn nhiều vướng mắc. Đại biểu nhấn mạnh, “ cơ chế nhỏ giọt, không khuyến khích người dân, chậm đấu nối lên lưới điện cũng gây lãng phí cho xã hội”.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân
Giải trình về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tài Anh khẳng định, vướng nhất là thủ tục rất dài, chúng ta cần phải đấu thầu với chủ đầu tư, xem xét với giá, bởi vì mỗi một quốc gia khi mà giai đoạn mà chúng ta khuyến khích thì sẽ đưa ra giá fit, tức là cho một cái giá trước để khuyến khích phát triển, nhưng sau này khi đã có thị trường rồi thì cần phải đấu thầu .
Nhiều vấn đề cũng được các thành viên Đoàn giám sát chỉ ra như vấn đề bảo đảm cung cầu năng lượng trên địa bàn; tình trạng chậm trễ đối với 3 dự án nhiệt điện miền Trung và dự án Cá Voi Xanh hay nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi tro xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn có chỉ số hoạt động phóng xạ an toàn không đạt yêu cầu để làm việt liệu xây dựng, san lấp nhưng lại được chôn lấp tại bãi xỉ của công ty. Trước nhận định của UBND tỉnh về “ hoạt động kiểm tra, thanh tra giám sát của các cơ quan kiểm tra trên địa bàn còn thiếu tính thống nhất, chồng chéo và gây khó khăn cho doanh nghiệp” các thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ vấn đề này.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và cần phải gắn liền với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại biểu cũng khẳng định, Giám sát năng lượng là nội dung rộng, không thể thảo luận, phân tích hết mọi nội dung, nhưng quan trọng là phải chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến những hạn chế đấy để tìm ra giải pháp.
Đại biểu cho rằng, tỉnh Quảng Nam mới chỉ dừng lại ở việc nêu hạn chế của việc ban hành chính sách, đến triển khai thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó có nguyên nhân chủ quan có thể là do năng lực, trách nhiệm của cán bộ công chức chưa cao nhưng lại “ quên” cách thức, phương án xử lý nguyên nhân chủ quan đấy. Đại biểu nhấn mạnh, không riêng Quảng Nam, không riêng lĩnh vực năng lượng, việc các cán bộ công chức của các cơ quan có liên quan đến những tồn tại, hạn chế này khi đánh giá cuối năm vẫn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì không thể chấp nhận được.
Liên quan đến công tác vận hành thủy điện, xả lũ, nhiều đại biểu đặt vấn đề việc xả lũ đã gây ảnh hưởng lớn tới đồng bào khi sinh hoạt, sản xuất gặp khó khăn, đề nghị tỉnh Quảng Nam cần có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam lại cung cấp thêm cho đoàn giám sát những khó khăn, vướng mắc do quy định tư Trung ương như: “ trong khi mực nước của hạ du đang thấp hơn báo động 2, dung tích hồ không trữ được thì Cục Quản lý Tài nguyên nước lại bắt trữ lại, gây khó khăn trong việc phòng lũ tối đa trong hồ chứa. Kịch bản này lặp lại nhiều năm liền và Sở đã gọi điện cho Cục nhiều lần để trao đổi những kịch bản đó khó như thế nào để cho Cục có cách điều hành tốt hơn”.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng tình rằng những quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ, liên hồ hiện nay đã qua một thời gian tương đối dài và cần thiết phải ra soát, xem xét, điều chỉnh lại vì trong quá trình triển khai đã gặp nhiều khó khăn “Việc quy định cứng quá sẽ rất tiếc, bởi rõ ràng nguồn nước là nguồn tài nguyên rất là quý và và nếu cứ quy định cứng nhắc như vậy rất là lãng phí”.
Một trong những vấn đề quan trọng được Đoàn giám sát đề nghị tỉnh quan tâm làm rõ chính là việc quản lý xăng dầu, kho dự trữ xăng dầu. Dù Quảng Nam đã có những kiến nghị cụ thể nhưng dự trữ năng lượng mà cụ thể là dự trữ xăng dầu trên các địa bàn trọng điểm là vấn đề được lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, nếu đặt mục tiêu năm một thì sẽ không phản ánh rõ nét, cần phải nêu ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi
Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam có báo cáo làm rõ việc tiềm năng khoáng sản urani trên địa bàn bởi thực hiện quyết định chiến lược của Việt Nam chuẩn bị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân bởi “Quảng Nam cũng là địa phương có tiềm năng trữ lượng lớn nhất và khả thi nhất so với cả nước để triển khai việc phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân. Đây cũng là 1 điểm cần phải xem xét để trong kiến nghị của Đoàn giám sát, sắp tới trong trường hợp nếu cấp có thẩm quyền cho phép tái khởi động nhà máy điện hạt nhân thì cũng cần phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ngoài việc nhập khẩu và nhiều phương án khác” - Đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh thêm.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, trong đó có những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn. Trả lời câu hỏi của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân, khi cho rằng, tỉnh Quảng Nam có hướng đến phương án triển khai năng lượng mặt trời trên hồ, vừa tránh lãng phí diện tích bề mặt, vừa tránh bốc hơi nguồn nước, cả Bí thư Tỉnh Ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đều khẳng định, tỉnh không có chủ trương đầu tư điện mặt điện trên mặt hồ nước, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường trong quá trình vận hành khi phải lau chùi, vệ sinh tấm pin mặt trời, sẽ khó tránh khỏi các trường hợp kính vỡ, gây ô nhiễm nguồn nước, trong khi phát triển năng lượng tái tạo cần hướng tới tương lai con cháu sau này.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cũng khẳng định, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết này. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Đoàn giám sát đề nghị Quảng Nam rà soát, hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, làm rõ các chính sách, pháp luật cụ thể đang vướng mắc trong thực hiện. Tỉnh cũng cần chú ý, nêu rõ đến từng điều khoản trong các luật, nghị định, thông tư; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư dự án phát triển năng lượng; bổ sung các mô hình bảo đảm sinh kế cho người dân.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của địa phương trong quy hoạch phát triển điện mặt trời, tuy nhiên, Quảng Nam cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình, phát triển năng lượng tái tạo nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ, tránh việc chuyển đổi mục đích rừng, đất nông nghiệp sang các mục đích khác mà nó có hệ hụy lớn.
Ghi nhận các kiến nghị của Quảng Nam trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho rằng, Bộ Công thương cần đẩy nhanh kế hoạch triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII, tránh tiếp tục xin lùi thời gian hoàn thiện, trình ký ban hành văn bản hướng dẫn, vì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đối với hai dự án Nhà máy thiết bị điện khí miền Trung I và II, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện đúng kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại thông báo của Văn phòng Chính phủ tháng 6.2023.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Cảng Kỳ Hà
Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát thực tế tại Cảng Kỳ Hà (cảng dự kiến xuất condensate từ mỏ khí Cá Voi Xanh), địa điểm tiếp bờ và làm việc với đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý Cảng…
Làm việc nhanh với lãnh đạo Sở Công thương tỉnh và Ban Quản lý Cảng Kỳ Hà, Đoàn giám sát đã ghi nhận những vướng mắc trong thực hiện thủ tục hồ sơ thuê đất, công tác giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư cũng như kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao UBND tỉnh Quảng Nam trong việc quản lý, sử dụng, khai thác và nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải Bến số 2, Khu bến Kỳ Hà để kịp thời phục vụ chuỗi dự án Khí - điện Cá Voi Xanh./.