Toàn cảnh buổi làm việc.
Về phía lãnh đạo tỉnh Gia Lai có Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long.
Báo cáo với đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho biết: trong giai đoạn 2016 - 2021, các chương trình, kế hoạch và các quyết định, văn bản hành chính mang tính chủ trương, định hướng và chỉ đạo, điều hành về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh được ban hành cơ bản kịp thời, đồng bộ và thống nhất với các quy định của Trung ương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Giai đoạn 2016 - 2021, tổng sản lượng điện cung ứng trên địa bàn tỉnh khoảng 6.828 triệu kWh , bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; đồng thời, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng khu vực, quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế báo cáo Đoàn giám sát.
Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo, với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW (trong đó đã đưa vào vận hành khoảng 3.005 MW) cùng với 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 480 MW, sản lượng điện sản xuất được khoảng 08 tỷ kWh. Do vậy, việc dự phòng, dự trữ năng lượng, an ninh, an toàn năng lượng của tỉnh được bảo đảm, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên địa bàn, vừa cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia hỗ trợ các vùng, miền khác.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai việc xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng của tỉnh và việc đưa chỉ tiêu này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, trung bình tiết kiệm được 2,02% so với sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng tối thiểu 5% so với tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các thành viên Đoàn giám sát.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của tỉnh Gia Lai cũng cho rằng quá trình thực hiện phát triển năng lượng còn gặp một số tồn tại vướng mắc, trong đó có việc đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tại địa phương còn thiếu, chưa được đào tạo cập nhập các kiến thức mới thường xuyên.
Trình bày báo cáo bước đầu của tổ công tác, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Tổ công tác ghi nhận và cơ bản đồng tình với các kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại hạn chế đã được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn.
Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tổ công tác cho rằng Báo cáo chưa có Phụ lục danh mục các văn bản liên quan tới năng lượng do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành. Chưa có số lượng tổng hợp các văn bản, chưa làm rõ, đánh giá được tính hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, tính đầy đủ, tính kịp thời, tính khả thi của các văn bản đã ban hành trong hệ thống pháp luật.
Báo cáo đều chưa đánh giá kết quả, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; chưa xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Về các tồn tại, hạn chế, báo cáo chủ yếu nêu các tồn tại ở cấp Trung ương. Các tồn tại hạn chế hiện mới tập trung vào lĩnh vực phát triển nguồn điện mà chưa có các phân tích cụ thể về các kết quả thực hiện trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như lĩnh vực quy hoạch và phát triển mạng lưới cung cấp dầu, khí tại địa phương. Theo Tổ công tác, các tồn tại được nêu trong báo cáo của Tỉnh đã bám sát thực tế địa phương nhưng chưa cụ thể vào từng văn bản hay từng ngành nghề.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn Công tác số 3 phát biểu tại buổi làm việc.
Về các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, báo cáo đã nêu khá cụ thể. Tuy nhiên, mới tập trung chủ yếu vào nguyên nhân khách quan, Tổ công tác đề nghị làm rõ thêm đâu là nguyên nhân chủ quan để từ đó có cách thức tổ chức thực hiện cho hiệu quả hơn.
Cùng với đó, tổ công tác đề nghị bổ sung bảng tổng hợp số liệu tổng công suất tiềm năng năng lượng trên địa bàn tỉnh, tổng sản lượng năng lượng hiện tại chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trên tiềm năng. Báo cáo cũng cần bổ sung làm rõ thêm về tính khả thi của việc huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư, cũng như việc bố trí cơ sở hạ tầng để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, những thuận lợi và khó khăn tồn tại trong phát triển nguồn năng lượng này.
Ngoài ra, Tổ công tác đề nghị báo cáo cần đánh giá thêm về năng lực dự trữ, cung ứng xăng dầu trên địa bàn, đã đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021, có xét đến việc đầu tư mới, mở rộng khả năng dự trữ, cung ứng để đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai; tổng hợp dữ liệu cụ thể về các thủy điện lớn, tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ, các dự án đang vận hành và khả năng khai thác trong thời gian tới, gắn với các chính sách khuyến khích huy động vốn, và khả năng đầu tư các dự án mới; cập nhật dữ liệu theo quy hoạch điện 8 và bổ sung các kiến nghị về pháp lý liên quan đến điện mặt trời. Mặt khác, báo cáo 144 nêu nguyên nhân tỉnh không có quy hoạch phát triển năng lượng gió, mặt trời, sinh khối được phê duyệt do Luật Quy hoạch. Tổ công tác cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan có tính chung cho hệ thống năng lượng Việt Nam đã nêu, tỉnh cần bổ sung những nguyên nhân liên quan đến đặc thù của tỉnh.
Các đại biểu tại buổi làm việc.
Về cầu năng lượng, tổ công tác cho rằng tỉnh chưa có báo cáo, đánh giá về: Cơ sở để xây dựng quy hoạch đối với việc thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng; cơ sở đề xuất giá điện trong địa bàn tỉnh; cải tiến, nâng cấp hệ thống quan trắc dự báo thời tiết biến đổi khí hậu chính xác để phục vụ trong điều độ vận hành và dự báo sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Tổ công tác đề nghị cần bổ sung làm rõ các nội dung liên quan tới nhu cầu các dạng năng lượng khác ngoài điện theo lĩnh vực tiêu thụ. Trong đó nêu rõ sản lượng đáp ứng nhu cầu hiện tại và dự báo tương lai. Để có cơ sở đánh giá so sánh với các địa phương khác trong cả nước, đề nghị tỉnh tính toán bổ sung dữ liệu về cường độ tiêu thụ năng lượng nói chung và điện trong giai đoạn 2021-2026, qua đó đánh giá cụ thể về thực trạng tiêu thụ năng lượng và trình độ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Về các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc, tổ công tác cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ được nêu còn chung chung. Báo cáo chưa nêu các giải pháp khắc phục của Chủ đầu tư, giải pháp xử lý của tỉnh đối với các loại dự án năng lượng này. Báo cáo cũng cho biết có 29 dự án điện mặt trời và 10 dự án điện gió đã có văn bản thu hồi chủ trương khảo sát nghiên cứu do chưa hoàn thành hồ sơ bổ sung quy hoạch, Tổ công tác đề nghị tỉnh làm rõ hơn nội dung này.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc.
Trong số 60 dự án thủy điện trong quy hoạch được duyệt thì có 49 dự án đang vận hành và 11 dự án còn đang triển khai. Tuy nhiên, báo cáo chưa đánh giá rõ các khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, dự kiến thời điểm đưa dự án vào vận hành, phát điện. Ngoài ra Tổ công tác đề nghị làm rõ nguyên nhân các dự án phải điều chỉnh hay loại ra khỏi quy hoạch và các dự án mới được bổ sung vào quy hoạch, đánh giá hiệu quả đạt được của việc điều chỉnh.
Cũng tại buổi làm việc, các ý kiến thành viên đoàn giám sát, chuyên gia cũng đề nghị tỉnh Gia Lai làm rõ một số nội dung liên quan đến việc cập nhật dữ liệu các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh đã được đưa vào quy hoạch điện VIII; đánh giá về những khó khăn vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh khi phát triển năng lượng; ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng….