GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VÀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA: TRIỂN KHAI THEO TINH THẦN ĐỔI MỚI CỦA QUỐC HỘI
Theo đó, ngày 14/8/2023, Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa,,tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã họp phiên thứ nhất.
Tại cuộc họp này, Đoàn giám sát đã công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát; cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết, dự thảo đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, dự kiến phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát, dự thảo Quyết định của Đoàn giám sát về việc thành lập Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.
Phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và một số dự án quan trọng quốc gia
Trên cơ sở dự thảo tài liệu và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao công tác triển khai và cơ bản tán thành với các dự thảo tài liệu bước đầu phục vụ phiên họp của Đoàn giám sát do Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế và các đơn vị tham mưu, phục vụ chuẩn bị. Đề nghị các thành viên Đoàn giám sát tiếp tục tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi về Tổ giúp việc để tiếp thu, hoàn thiện trước ngày 16/8/2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình giám sát, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ động làm việc, phối hợp triển khai thực hiện từng lĩnh vực giám sát theo phân công trong Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội và phân công của Đoàn giám sát theo lĩnh vực chuyên sâu để xác định rõ phạm vi, mục đích, yêu cầu, nội dung giám sát, cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao nhằm đảm bảo tính khả thi và tuân thủ đúng các quy định; phối hợp với Tổ giúp việc hoàn thiện các dự thảo văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, làm cơ sở để tiếp tục triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị khẩn trương thành lập Tổ giúp việc để tham mưu, dự thảo các văn bản: Báo cáo công tác chuẩn bị của Đoàn giám sát từ thời điểm thành lập đến phiên họp tháng 8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết; dự thảo đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, các đối tượng giám sát; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên Đoàn giám sát; các bảng biểu, phụ lục kèm theo đề cương giám sát; phối hợp với Văn phòng Quốc hội về cách thức tổ chức giám sát, kế hoạch, đề cương để đảm bảo thống nhất trong hoạt động giám sát giữa các Đoàn giám sát theo Chương trình giám sát năm 2024.
Cụ thể, về dự thảo Đề cương giám sát của Đoàn giám sát và các đơn vị chịu sự giám sát: Đề cương Báo cáo Đoàn giám sát phải bao quát, đầy đủ các nội dung Nghị quyết 43, các Nghị quyết Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia; phải có trọng tâm, trọng điểm về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, trách nghiệm và kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đề cương Báo cáo Kiểm toán nhà nước mang tính tổng hợp trên cơ sở các báo cáo đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện trong thời gian qua; nghiên cứu bổ sung Đề cương yêu cầu Thanh tra chính phủ có báo cáo gửi Đoàn giám sát về kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến đối tượng giám sát.
Quang cảnh phiên họp
Về dự thảo Kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần lưu ý các mốc thời gian hợp lý, tránh trùng với các thời điểm ngày lễ, tết; Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia trong nhiều lĩnh vực có liên quan tới nội dung giám sát, báo cáo của Đoàn giám sát. Triển khai sớm các hoạt động chuẩn bị, thu thập tài liệu; có kế hoạch khảo sát thực tế các công trình, dự án quan trọng quốc gia ở thời điểm thích hợp để tổng hợp phân tích, đánh giá bước đầu. Cần tích cực, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai hoạt động giám sát theo tinh thần đổi mới của Quốc hội; kế thừa kết quả của các Đoàn giám sát trước đây và kết quả của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, dân nguyện về các nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát. Về dự kiến giám sát trực tiếp đối với một số đối tượng giám sát cần tổ chức theo hướng: lựa chọn các địa phương thuộc đối tượng giám sát cả 2 nội dung theo Nghị quyết của Quốc hội và bảo đảm tính đại diện, cân đối vùng, miền trong phạm vi cả nước; đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương làm việc tại Nhà Quốc hội.
Về phân công nhiệm vụ, ngoài những nhiệm vụ đã được dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn giúp Trưởng Đoàn giám sát phụ trách công tác truyền thông của Đoàn. Văn phòng Quốc hội chỉ đạo Vụ Thông tin, Báo đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội chịu trách nhiệm về những nội dung truyền thông của Đoàn giám sát; xây dựng kịch bản, hoàn thiện phim tư liệu của Đoàn giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị mời đại diện Ban Kinh tế Trung ương tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát; chuyên gia các ngành liên quan tới nội dung giám sát do Trưởng Đoàn giám sát quy định; phân công đồng chí Đinh Văn Nhã là Tổ trưởng Tổ Chuyên gia giúp Đoàn giám sát.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn bản; Trưởng Đoàn, các Phó Trưởng Đoàn giám sát sẽ họp với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tổ giúp việc để thống nhất các nội dung trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25, tháng 8/2023.