NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH THEO HƯỚNG RÀNH MẠCH, CHỦ ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM, CHUYÊN SÂU, NHẠY BÉN

18/12/2023

Tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong những phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Tại Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về nguyên tắc việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN PHÁP LỆNH CHI PHÍ TỐ TỤNG VÀ THÔNG QUA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nói riêng được quy định trong Hiến pháp (Điều 77), Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 82), được cụ thể hóa trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Điều 43) và một số văn bản pháp luật có liên quan.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Luật cũng quy định một trong những phương thức để cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình đó là hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về “Việc thực hiện các kết luận và kiến nghị Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách Nhà nước năm 2021”.

Theo đó, giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật này. Nhằm tạo cơ sở pháp lý để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện hoạt động giải trình, tại Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định khá cụ thể về chủ thể tổ chức phiên giải trình, đối tượng tham dự phiên giải trình, trình tự, thủ tục thực hiện phiên giải trình, kết luận vấn đề được giải trình.

Có thể thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định khá rõ về việc tổ chức phiên giải trình, như: thẩm quyền tổ chức phiên giải trình; thành phần tham dự phiên giải trình; xây dựng và thông báo nội dung, kế hoạch phiên giải trình; tính công khai phiên giải trình; trình tự tiến hành phiên giải trình; gửi kết luận phiên giải trình và trách nhiệm thực hiện kết luận phiên giải trình.

Đây là những nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc khi tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Việc định ra những nguyên tắc trên đây tạo điều kiện pháp lý thuận lợi giúp các chủ thể tiến hành hoạt động giải trình và các đối tượng được yêu cầu giải trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, khi tiến hành hoạt động giải trình, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành phiên giải trình mà còn căn cứ vào các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức được yêu cầu giải trình.

Phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, quy định về phiên giải trình cũng còn những bất cập nhất định, như: Quy định chưa rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của cơ quan, tố chức, cá nhân phải làm gì khi nhận được thông báo kế hoạch phiên giải trình; Quy định không thống nhất giữa một số khái niệm liên quan đến người giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phiên giải trình.

Tổ chức phiên giải trình để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát

Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: Hoạt động giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong những phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Mục đích của phiên giải trình là đánh giá việc thực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, trong đó tập trung các giải pháp để giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống xã hội đòi hỏi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sớm giải quyết. Hiệu quả phiên giải trình của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia thực hiện phiên giải trình.

Giải trình là phương thức để Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội Quốc hội có thể thực hiện quyền lực của nhân dân trong việc “kiểm soát” hoạt động của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Thông qua phiên giải trình, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời đưa ra những kết luận, yêu cầu, kiến nghị người giải trình phải thực hiện trong thời gian tới. Hoạt động giải trình vừa giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình, vừa là phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện việc “kiểm soát” việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Cùng với hoạt động chất vấn, phiên giải trình là một trong những công cụ hữu hiệu để bảo đảm nguyên tắc chủ quyền Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Hơn nữa, với tính chất “nhanh”, tập trung vào những vấn đề bức xúc, trong phạm vi hẹp, hoạt động giải trình có thể “can thiệp” và giải quyết nhanh hơn so với các hình thức giám sát khác, góp phần thúc đẩy cơ quan, tổ chức, cá nhân sớm vào cuộc giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh từ đời sống xã hội, kịp thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cử tri và nhân dân.

Việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề được quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ tác động tích cực đến nhận thức và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan giải trình. Thông qua phiên giải trình, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu giải trình có thể nhận thức được đầy đủ hơn về tình hình hoạt động của mình và kịp thời đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện thông suốt, đúng quy định của pháp luật;

Tổ chức phiên giải trình giúp cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các các bộ, ngành trung ương ban hành, qua đó từng bước kiến nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế trong từng lĩnh vực cụ thể.

Nâng cao chất lượng hoạt động, giải trình theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén.

Ngày 13/12/2023, tại Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về nguyên tắc việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 28Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực hiện Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 ngày 14/11/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, trong hơn năm qua Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Việc xây dựng Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác này của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

 Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nói riêng, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung; góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, làm rõ trách nhiệm của người giải trình, cơ quan, cá nhân liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nguyên nhân, tính chất của vấn đề giải trình để có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tạo sự chuyển biến trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, góp phần đánh giá hiệu lực, hiệu quả, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương ban hành, phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Dự thảo Nghị quyết gồm 21 điều chia thành 4 chương, quy định về phạm vi điều chỉnh; phạm vi giải trình; nguyên tắc giải trình; tiêu chí lựa chọn người được yêu cầu giải trình, người tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề giải trình; quyết định hoạt động giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trách nhiệm giải trình. Trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; trình tự, thủ tục lựa chọn vấn đề giải trình, người được yêu cầu giải trình, người tham gia giải và các vấn đề khác có liên quan; công tác chuẩn bị, tổ chức phiên giải trình. Thực hiện Kết luận vấn đề được giải trình, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận vấn đề được giải trình và báo cáo kết quả thực hiện Kết luận vấn đề được giải trình...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận tại Phiên họp thứ 28, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nguyên tắc dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là văn bản hướng dẫn, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Tính chất hoạt động giải trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Không quy định số lượng tối thiểu phiên giải trình, mà chỉ quy định trong chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban có nội dung giải trình...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát về kỹ thuật, tiếp thu, giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trình Chủ tịch ban hành trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén như Nghị quyết số 27-NQ/TW

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 (sáng 13/12/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, định hướng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là tăng cường công tác giám sát và các hình thức giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhưng đến nay chưa có một quy trình hay quy định cụ thể nào về trình tự này, tổ chức ra sao, khi kết thúc có ban hành nghị quyết, kết luận về vấn đề giải trình không?.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là hoạt động thường xuyên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, do vậy cần phải được mở rộng hơn, thường xuyên hơn và nâng cao chất lượng hơn, do vậy cần phải có hướng dẫn rất cụ thể và thống nhất để không chỉ cho Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội mà các cơ quan, tổ chức hữu quan được biết.

“Nếu chúng ta giám sát, giải trình xong mà không có kết luận, không có nghị quyết thì không có hiệu lực. Thường những vấn đề chọn giải trình là những vấn đề nổi lên rất nhanh, nếu chuẩn bị vòng vo mất 3 đến 4 tháng mới xong thì việc đó đã trôi qua mất rồi”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần phải cho ý kiến rất kỹ lưỡng đối với nội dung này để tạo sự thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai, để nâng cao chất lượng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén như Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu.

Lan Hương

Các bài viết khác