Tìm mô hình phù hợp cho Đoàn Thư ký Kỳ họp QH

18/12/2010

VPQH vừa tổ chức Hội thảo Đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH để tổng kết hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH nhằm tìm kiếm phương hướng và giải pháp cụ thể trong việc tăng cường năng lực cho cơ quan này.

Theo Luật Tổ chức QH và Nội quy Kỳ họp QH, Đoàn Thư ký Kỳ họp QH là cơ quan do QH bầu ra để tổ chức và giúp UBTVQH điều hành các hoạt động của QH tại các kỳ họp. Đoàn Thư ký Kỳ họp QH có vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp QH, đặc biệt là phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các cơ quan hữu quan để chỉnh lý các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình QH. Bên cạnh đó, Đoàn Thư ký còn có nhiệm vụ làm biên bản mỗi phiên họp, biên bản kỳ họp; chuẩn bị thông cáo về phiên họp của QH và thực hiện những công tác khác do Chủ tịch QH giao… Với khối lượng công việc khá đồ sộ  công tác “thư ký” Kỳ họp QH vì thế đòi hỏi phải được tiến hành một cách chuyên nghiệp, kịp thời và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của QH, UBTVQH và các cơ quan hữu quan khác.

Đánh giá về tổ chức và hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH trong thời gian qua, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, thời gian qua, công tác “thư ký” Kỳ họp QH đã được triển khai thực hiện, trở thành nền nếp chung, tạo nên những thủ tục, những văn bản mang tính chất khuôn mẫu trong phục vụ kỳ họp QH. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn thì hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, nổi cộm là vấn đề cơ cấu, tổ chức của Đoàn Thư ký Kỳ họp chưa hợp lý; việc phân công, giao nhiệm vụ cho Đoàn Thư ký Kỳ họp đôi khi chỉ là hình thức... Đoàn Thư ký Kỳ họp QH hiện nay gồm 13 thành viên: Trưởng đoàn Thư ký Kỳ họp đồng thời là Chủ nhiệm VPQH; các thành viên khác là ĐBQH - những người giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó chủ nhiệm các Ủy ban của QH và Phó chủ nhiệm VPQH. Nhìn vào cơ cấu nêu trên, có thể thấy, Đoàn Thư ký Kỳ họp QH là một trong những cơ quan quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức và hoạt động của QH.

Là cơ quan không thể thiếu trong tổ chức và hoạt động của QH, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH chủ yếu là ghi âm, ghi biên bản các cuộc họp, phiên họp, kỳ họp; tập hợp và tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến của ĐBQH; làm thông cáo các phiên họp QH; tổ chức công tác thông tin báo chí của Kỳ họp; điều khiển công tác văn thư và quản lý các tài liệu của kỳ họp; phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trong việc chuẩn bị phiếu lấy ý kiến của ĐBQH, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết… Gọi đây là những công việc hành chính sự vụ đơn thuần, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo chỉ rõ, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH không phù hợp với một tổ chức gồm các thành viên là ĐBQH. Thực tế, do bận với việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, nhiệm vụ chuyên môn ở Hội đồng Dân tộc hay các Ủy ban của QH nên các thành viên của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH khó tập trung cho nhiệm vụ của Đoàn Thư ký. Vậy nên, đáng lẽ là những người thực hiện nhiệm vụ thì với cách cơ cấu nêu trên, hầu hết thành viên của Đoàn Thư ký Kỳ họp đang thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phục vụ Kỳ họp QH.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc này, nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, thay đổi cơ cấu thành viên Đoàn Thư ký Kỳ họp cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn Thư ký. Nếu vẫn giữ mô hình cũ thì cần phân công nhiệm vụ cụ thể hơn theo từng nội dung tương ứng với cơ cấu, thành viên của Đoàn Thư ký. Và không nên giao cho Đoàn Thư ký Kỳ họp những nhiệm vụ, quyền hạn mang tính chất hành chính sự vụ của công chức hay những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, VPQH. Đoàn Thư ký Kỳ họp nên chăng là một tổ chức bao gồm một số ĐBQH giúp việc cho Đoàn chủ tịch QH trong Kỳ họp – ý kiến của nguyên Phó chủ nhiệm VPQH Trần Ngọc Đường – ví dụ giúp Đoàn chủ tịch thực hiện chương trình nghị sự của Kỳ họp, giữ mối liên hệ giữa Đoàn chủ tịch với các cơ quan của QH và ĐBQH. Theo thông lệ ở các nước, công việc này là của Tổng thư ký QH - người không phải là một nghị sỹ mà là công chức cao cấp.

Cho rằng, khởi nguyên của những tồn tại trong hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH xuất phát từ nhận thức chưa thực sự đầy đủ về vị trí, vai trò của cơ quan này, Phó chủ nhiệm VPQH, Ủy viên Đoàn Thư ký Kỳ họp QH Nguyễn Đức Hiền đề nghị cần làm rõ được vấn đề: Đoàn Thư ký Kỳ họp QH là cơ quan của QH hay chỉ là cơ chế hỗ trợ cho hoạt động của QH? Theo quy định của Luật Tổ chức QH, Đoàn Thư ký Kỳ họp là một cơ quan của QH, do QH bầu ra để tổ chức và giúp UBTVQH điều hành các hoạt động của QH tại Kỳ họp. Nhưng thực tiễn việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Thư ký Kỳ họp thì chưa thể khẳng định, đây là một cơ quan của QH. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH vì thế nên được tiến hành từ bước đầu tiên là đổi mới nhận thức về vị trí và vai trò của Đoàn Thư ký Kỳ họp. Đây là cơ sở để xác định mô hình tổ chức Đoàn Thư ký Kỳ họp, vừa phù hợp với đặc thù của nước ta vừa phục vụ đắc lực, có hiệu quả hoạt động của QH tại các Kỳ họp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn Thư ký Kỳ họp QH là một nhu cầu bức thiết trong sự nghiệp đổi mới của QH. Guồng máy tham mưu, giúp việc của QH tinh thông và đắc lực là tiền đề để QH hoạt động thông suốt và hiệu quả. Cùng với việc phát huy tối đa vai trò cá nhân của từng ĐBQH thì bộ máy tham mưu, giúp việc của QH cũng cần được đổi mới, hoàn thiện và chuyên nghiệp, giúp QH hoàn thành trọng trách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

 

 

Thanh Chi

(http://daibieunhandan.vn/)