Giảm đọc báo cáo, tăng đối thoại, truy đến cùng vấn đề đặt ra

05/06/2015

Ngày 4/6, Quốc hội đã “chốt” danh sách 4 bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín. Đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký Kỳ họp NGUYỄN HẠNH PHÚC cho biết: cách thức tiến hành chất vấn sẽ tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng giảm tối đa thời gian đọc báo cáo, tăng tính đối thoại, tranh luận giữa người hỏi và người trả lời, để đại biểu Quốc hội có thể truy đến cùng, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn                                                                      Ảnh: Nam Nguyễn

4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

- Thưa ông, tuần làm việc tới, Quốc hội sẽ dành hai ngày rưỡi để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn-hoạt động luôn thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Xin ông cho biết, tại kỳ chất vấn này, các thành viên Chính phủ nào sẽ đăng đàn trả lời chất vấn?

Đến giờ phút này, Quốc hội đã chọn 4 vị bộ trưởng (trong tổng số 5 vị bộ trưởng dự kiến) đăng đàn trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Trong mỗi phần chất vấn của 4 bộ trưởng sẽ có các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, lĩnh vực. Sau đó, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ hoặc một Phó thủ tướng do Thủ tướng ủy quyền trả lời, làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

- Việc lựa chọn bộ trưởng trực tiếp trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?

Theo thông lệ và quy định của pháp luật, mỗi Kỳ họp Quốc hội đều tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Mỗi kỳ chất vấn, Quốc hội đều đưa ra những nguyên tắc, lựa chọn nhóm vấn đề đưa ra chất vấn, từ đó lựa chọn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn.

Tại Kỳ họp thứ Chín này, Đoàn Thư ký Kỳ họp Quốc hội đưa ra nguyên tắc là lựa chọn các bộ trưởng có lĩnh vực hoặc vấn đề bức xúc nổi lên được cử tri quan tâm, thể hiện qua Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 9 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc.

Thứ hai là những bức xúc nổi lên thông qua ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại các phiên họp ở tổ, ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, nội dung được đưa ra chất vấn phải là những việc bức xúc mà các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn tại Quốc hội từ những kỳ họp trước, nhưng tiến độ giải quyết còn chậm, chưa có chuyển biến trên thực tế.

Thứ tư, Đoàn Thư ký Kỳ họp Quốc hội sẽ đề xuất lựa chọn những bộ trưởng, trưởng ngành chưa có điều kiện trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thứ năm, việc lựa chọn nhóm vấn đề và bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn còn phải bảo đảm yêu cầu hài hòa giữa các nội dung, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ và các thành viên Chính phủ, không nghiêng lệch về một vấn đề nào, thuần túy kinh tế hoặc xã hội.

Căn cứ vào nguyên tắc nêu trên, việc lựa chọn vấn đề và bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ: Văn phòng Quốc hội tham mưu, đề xuất với Đoàn Thư ký Kỳ họp Quốc hội, sau đó Đoàn Thư ký xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi phiếu xin ý kiến từng vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó mới quyết định nhóm vấn đề và số lượng bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn.

Ảnh: Đình Nam

- Tại Kỳ họp thứ 9 này, các nhóm vấn đề chất vấn 4 bộ trưởng sẽ tập trung vào lĩnh vực gì, thưa ông?

Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trả lời về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vừa qua chúng ta đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới, nhưng tại diễn đàn lần này, các chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ đề nghị Bộ trưởng làm rõ những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

Nhóm vấn đề thứ hai là thực trạng liên kết 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước) và giải pháp ổn định đầu ra và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là vấn đề cử tri và dư luận xã hội đang rất bức xúc. Nước ta là nước nông nghiệp, nhưng tại sao nhiều năm nay vẫn là tình trạng được mùa - mất giá và từ đầu năm đến nay nổi lên câu chuyện tiêu thụ một số mặt hàng nông sản cho bà con nông dân như dưa hấu, hành tím, thanh long... Giải pháp căn cơ nào để giải quyết dứt điểm câu chuyện không mới này?

Nhóm vấn đề thứ ba là quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp; giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường như thế nào? Các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Các chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương trước hết sẽ yêu cầu Bộ trưởng làm rõ giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ hai là trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản.

Thứ ba là thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm và quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ có sự tham gia của các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trả lời về giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ tham gia giải trình, làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Có hai nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; và đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn, biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.

- Nhìn vào các nhóm vấn đề dự kiến đưa ra chất vấn các Bộ trưởng lần này, có thể thấy hầu hết những vấn đề nóng, bức xúc đang được cử tri và dư luận xã hội quan tâm đều sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Đúng thế. 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Vừa qua, chúng ta đã ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và mới đây nhất là với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Chúng ta đang đàm phán tham gia TPP và cuối năm nay là mốc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Vậy nên, cùng với những mối quan tâm, bức xúc riêng trong từng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của 4 vị bộ trưởng, thì lần này các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn 4 vị bộ trưởng có mối quan hệ chặt chẽ với đích đến là làm thế nào để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời khai thác được mặt mạnh, để đưa nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Trong câu chuyện hội nhập sâu với thị trường quốc tế này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trực tiếp hơn cả là 4 vị bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Khi các cam kết quốc tế có hiệu lực, có trách nhiệm của lĩnh vực khoa học công nghệ trong đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động như thế nào, khâu sản xuất ra sao để vừa không bị thua thiệt vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đủ sức cạnh tranh, rồi làm thế nào để phát triển thị trường, quảng bá hàng hóa để có thể tiêu thụ được các sản phẩm đã sản xuất ra…

Nay mai, theo đúng lộ trình, cam kết, thuế suất đối với nhiều mặt hàng của các nước, các khu vực vào Việt Nam sẽ bằng 0, vậy câu chuyện cạnh tranh giữa sản phẩm nội và sản phẩm ngoại thế nào trong khi hàng hóa của họ chắc chắn rẻ hơn, năng suất cao hơn và chất lượng được bảo đảm hơn. Chúng ta có nhiều sản phẩm, cây công nghiệp thế mạnh, xuất khẩu nhất nhì thế giới như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều..., rồi các cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như thanh long, vải thiều, nhãn… Xuất khẩu về số lượng thì được rồi, nhưng khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu như thế nào để mang lại giá trị kinh tế cao hơn? Có sản phẩm thế mạnh rồi, nhưng còn vấn đề xây dựng thị trường thế nào, tránh lặp đi lặp lại câu chuyện được mùa mất giá…

Rõ ràng, với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này, từ khâu chọn nội dung chất vấn đến chọn bộ trưởng trả lời đều liên quan đến việc chuẩn bị để nước ta gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu bên hành lang Kỳ họp                                      Ảnh: Nam Nguyễn

Vấn đề cử tri quan tâm nhất: nói và làm có đi đôi?

- Thưa ông, mỗi kỳ chất vấn Quốc hội đều đặt ra những yêu cầu đối với cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát quan trọng này. Tại Kỳ họp lần này, hoạt động chất vấn sẽ có những cải tiến, đổi mới như thế nào?

Thực hiện Nghị quyết số 27 của Quốc hội về tiếp tục cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, trong đó có đổi mới hoạt động giám sát nói chung và giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, những kỳ họp gần đây, trước mỗi kỳ chất vấn, Quốc hội đều yêu cầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại kỳ chất vấn trước đó. Nội dung này do Phó thủ tướng, thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo trước Quốc hội trước khi bắt đầu mỗi kỳ chất vấn tại Kỳ họp.

Tại Kỳ họp thứ 9, cùng với việc yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện cải tiến, đổi mới này cũng duy trì cách thức tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ phải có báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay. Các báo cáo này sẽ trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới. Trong báo cáo, yêu cầu các bộ trưởng giải trình rõ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giải quyết được bao nhiêu việc Quốc hội nêu trong Nghị quyết, giải quyết đến đâu, việc nào chưa giải quyết được hoặc tại sao giải quyết chậm? Ngành nào làm tốt chắc chắn sẽ được cử tri và đại biểu Quốc hội ghi nhận, còn ngành nào chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ phải giải trình trực tiếp trước Quốc hội… Đây là nội dung chưa có tiền lệ và cũng là một trong những cải tiến, đổi mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hậu giám sát, hậu chất vấn của Quốc hội.

- Chưa có thống kê chính thức, nhưng có lẽ chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sâu sát của cử tri. Là người trực tiếp chuẩn bị, tham mưu, đề xuất nội dung trong nhiều kỳ chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, ông nhìn nhận như thế nào về tác động cũng như chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội?

Vừa qua, chúng tôi tiến hành tổng kết công tác giám sát, trong đó có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thì ý kiến chung là có cái được và chưa được. Hiện nay, Quốc hội đang xem xét Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Và một trong những yêu cầu đề ra đối với việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội hiện hành là phải hạn chế được tính hình thức của giám sát, đi vào thực chất vấn đề nêu ra.

Người hỏi và người trả lời đi thẳng vào vấn đề. Người trả lời cần tránh diễn giải, báo cáo thành tích để rút ngắn thời gian phải trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Người hỏi cũng không cần giải thích nhiều mà nên đi thẳng vào vấn đề cần hỏi, chọn vấn đề thật ngắn gọn, sâu sắc để hỏi. Như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian để tập trung cho phần trao đổi, tranh luận làm rõ vấn đề đặt ra.

Một trong những nội dung trong cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội là phải rút ngắn thời gian kỳ họp. Trong tổng thể yêu cầu đổi mới chung như vậy, chúng ta không thể kéo quá dài thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn, trung bình hai ngày rưỡi đến 3 ngày như hiện nay là hợp lý. Như vậy, thời gian dành cho mỗi phiên chất vấn, mỗi phần trả lời chất vấn của bộ trưởng gần như không thay đổi hơn như thế thì phải sử dụng quỹ thời gian này khoa học và hiệu quả nhất để mỗi bộ trưởng có thể trả lời hết các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Ở đây có mấy câu chuyện. Thứ nhất, chọn được vấn đề có nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội cùng quan tâm, chọn bộ trưởng để hỏi.

Thứ hai, trên cơ sở thực tiễn cuộc sống, đại biểu Quốc hội chọn ra một hoặc hai câu hỏi để xoáy vào và truy đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và có tranh luận.

Thứ ba, cùng với bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn thì cần có những bộ trưởng và nếu chưa rõ thì có thể có sự tham gia của Phó thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực phối hợp cùng trả lời. Thực tiễn chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua cho thấy nhiều Phó thủ tướng, với cái nhìn toàn diện và bao quát hơn bộ trưởng, trả lời rất hay, làm sáng tỏ được vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Với cách thức như vậy thì không khí chất vấn và trả lời chất vấn, đối thoại giữa người hỏi và người trả lời sôi nổi, chất lượng hơn.

- Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc luật hóa Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội như một công cụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, đặc biệt là hậu giám sát. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tôi tin rằng nếu sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng rõ chế tài thì hiệu quả của công tác giám sát, trong đó có chất vấn sẽ cao hơn.

Thực tế, dù đại biểu Quốc hội có chất vấn hay đến mấy, Quốc hội có giám sát tốt đến mấy thì quan trọng hơn cả vẫn là hậu giám sát thế nào, các kiến nghị sau giám sát được thực hiện ra sao? Đây là vấn đề cử tri quan tâm nhất: nói và làm có đi đôi với nhau không, chứ không phải trên diễn đàn anh nói rất hay, rất thuyết phục nhưng trong cuộc sống không thấy chuyển động gì.

Ví dụ ngành nông nghiệp, nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra từ nhiều kỳ họp nay như được mùa mất giá, hàng hóa sản xuất ra năm nào cũng dồn ứ ở cửa khẩu mà không có chiến lược, quy hoạch căn cơ… Hay câu chuyện về đổi mới khoa học công nghệ, chúng ta có lực lượng đông đảo các nhà khoa học, nhưng nhiều sáng chế về máy móc trong lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí chế tạo cả tàu ngầm, máy bay… những người nông dân - những nhà khoa học chân đất - mạnh dạn chế tạo. Rõ ràng nhà khoa học của chúng ta không phải là kém, hàng năm rất nhiều đề tài được nghiệm thu và đề tài nào cũng đều xuất sắc, nhưng sau đó lại cất vào tủ (?). Vì sao lại có tình trạng này? Tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học công nghệ? Nên chăng đặt vấn đề khoa học công nghệ phải đóng vai trò như thế nào để có thể là bà đỡ giúp phát huy sức sáng tạo mạnh mẽ của người dân? Qua đó để thấy rằng, muốn nói gì thì nói, đổi mới ra sao, nhưng cái cuối cùng là anh phải giải quyết được các vấn đề đặt ra. Khoa học công nghệ mà không đi vào cuộc sống, thì đương nhiên năng suất lao động kém…

Hay như trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tôi rất băn khoăn về ngành du lịch, bạn bè tôi ở nhiều nước khi đến Việt Nam, họ cũng chia sẻ thật là cũng chỉ đến một lần này thôi… Tại sao lại như vậy? Trong khi đó khi chấm tín nhiệm ngành du lịch thì thành tích rất cao và khẳng định bạn bè quốc tế khen ngợi Việt Nam - đây là nhưng đánh giá không thực chất. Cho nên, đừng nên say sưa, ru ngủ trên thành tích, chủ quan mà phải nhìn thẳng vào thực tại, đối diện với thực tế để khắc phục…

Ngay với câu chuyện tăng trưởng kinh tế, có nên so sánh năm sau cao hơn năm trước không, hay phải so sánh với kết quả tăng trưởng của khu vực và thế giới? Qua đó để thấy được rằng, mặc dù đạt nhiều kết quả to lớn, đáng ghi nhận, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu với thế giới trên các lĩnh vực, sắp tới nhiều cam kết với khu vực, quốc tế sẽ có hiệu lực, tất cả bình đẳng trong sân chơi chung thì yêu cầu đối với các ngành, lĩnh vực là phải vươn lên để đáp ứng những tiêu chuẩn, luật chơi chung của thế giới, của các tổ chức kinh tế Việt Nam là thành viên.

- Xin cám ơn ông!

Theo ĐBND