Toàn cảnh buổi tập huấn
Tham dự khai mạc buổi tập huấn có Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ; Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Trịnh Giáng Hương; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Nguyễn Doãn Khôi cùng các học viên tham gia buổi tập huấn.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ cho biết, lực lượng dự bị động viên và Dân quân tự vệ có vị trí rất quan trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh Nhân dân. Sau 23 năm thực hiện Pháp lệnh Dự bị động viên, 11 năm thực hiện Luật Dân quân tự vệ, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan Văn phòng Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên của cơ quan Văn phòng Quốc hội ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số quy định của Pháp lệnh dự bị động viên năm 1996, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 chưa thống nhất, chưa đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa được điều chỉnh nên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Để tiếp tục xây dựng lực lượng Dự bị động viên, Dân quân tự vệ hùng hậu, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự về và Luật Lực lượng dự bị động viên, hai Luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.
Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ phát biểu tại buổi tập huấn
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Nguyễn Đức Thụ nêu rõ, để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, Văn phòng Quốc hội tổ chức tập huấn về Luật Dân quân tự vệ và Luật Lực lượng dự bị động viên để đảng viên, công chức, viên chức người lao động của Văn phòng Quốc hội nắm được được đường lối, chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng, những vấn đề cơ bản của pháp luật về dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, đề nghị các đồng chí báo cáo viên giới thiệu các chuyên đề cần bám sát và thể hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; liên hệ và vận dụng sáng tạo, sát với tình hình thực tế. Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các vụ, cục, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội cần nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản của Luật Dân quân tự vệ 2019, Luật Lực lượng dự bị động viên 2019. Qua đây làm cơ sở để phối hợp, triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng toàn dân của Văn phòng Quốc hội.
Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Luật Dân quân tự vệ, Đại tá Trần Văn Tuấn, Bộ tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cho biết, mục đích của Luật là nhằm xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Trần Văn Tuấn cũng cho biết, quan điểm xây dựng Luật đảm bảo giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với DQTV. Thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ để hoàn thiện hệ thống pháp luật về DQTV, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp luật về DQTV hiện hành; luật hóa một số quy định trong văn bản dưới luật; bổ sung quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Nghiên cứu những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề xuất rút ra từ tổng kết thực hiện Luật DQTV; tiếp thu những ý kiến hợp lý của cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình soạn thảo, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khả thi. Nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc việc tổ chức dân quân, dân binh của một số nước trên thế giới, vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta.
Đại tá Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng giới thiệu Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới các thành viên tham dự
Đại tá Trần Văn Tuấn nêu rõ, theo khoản 2 Điều 31, luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ. Do đó, ngày 30/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2020. Đây là Nghị định khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 133/2015/NĐ-CP. Đồng thời, cũng ngày 30 tháng 6 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.
Buổi chiều cùng ngày, các học viên tiếp tục nghe báo cáo viên giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Luật Lực lượng dự bị động viên./.