CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 02/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC

12/03/2021

Tại buổi tập huấn về Luật Dân quân tự vệ do Văn phòng Quốc hội tổ chức vừa qua, các báo cáo viên cho biết, sau khi Luật Dân quân tự vệ năm 2019 được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Tại buổi tập huấn, báo cáo viên cho biết, ngày 22/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Dân quân tự vệ, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Theo đó tại khoản 2 Điều 31, luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ.

Chấp hành Luật, ngày 30/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ (DQTV) với các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2020. Đây là Nghị định quan trọng trong hệ thống pháp luật về Dân quân tự vệ, để hướng dẫn thi hành Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và pháp luật có liên quan đến DQTV nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 133/2015/NĐ-CP;

Về sự cần thiết ban hành Nghị định, báo cáo viên cho biết, tại khoản 2 Điều 31 Luật DQTV giao Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ.

Bên cạnh đó, qua 05 năm thực hiện Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ trong thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, tổ chức và nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế, bất cập, chi phối đến hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ, cụ thể: Đã quy định nhưng chưa rõ ràng vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ, như: việc chủ trì xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động phối hợp, dẫn đến tình trạng còn đùn đẩy trách nhiệm trong việc phối hợp, hiệp đồng. Có quy định nhưng chưa thật rõ trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương các cấp (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã - Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng, quân sự địa phương) trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ. Chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ trong từng nhiệm vụ, cũng như trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu (Thực tiễn hiện nay, DQTV thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì trên địa bàn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được quy định tại Điều 3 vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, Điều 5 nhiệm vụ của Dân quân tự vệ và khoản 1 Điều 31 Hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ). Quy định kinh phí hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ do cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì bảo đảm là không phù hợp (Điều 11. Kinh phí phối hợp hoạt động: 1. Kính phí đảm bảo cho phối hợp hoạt động được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì hoạt động phối hợp theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. 2. Nguồn kinh phí hợp pháp. 3. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành). Vì, thực tế những năm qua, chưa có cơ quan, tổ chức, đơn vị Quân đội, Công an, Kiểm lâm, Kiểm ngư chủ trì hoạt động phối hợp nào, bảo đảm cho Dân quân tự vệ.

Từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động phối hợp của DQTV, thay thế Nghị định số 133/2015/NĐ-CP là rất cần thiết.

Nghị định được ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa nội dung khoản 1 Điều 31 của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị định là thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với, thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 133/2015/NĐ-CP; khắc phục những hạn chế, bất cập, bổ sung nội dung mới phù hợp./.

Hồ Hương