Tham dự Hội nghị có: Nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Trung ương I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đỗ Hùng Cường; các báo cáo viên đến từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan; Trưởng, Phó trưởng các Ban tham mưu giúp việc Đảng ủy; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các Đảng bộ cơ sở; Cấp ủy của các Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở; …
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Nguyễn Đức Thụ cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội năm 2022, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác Đảng với chủ đề về công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng Đảng. Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, giúp nâng cao năng lực cán bộ cấp ủy, cán bộ chuyên trách thực hiện công tác Đảng nhằm nắm vững các quy định, hướng dẫn mới và quan trọng của Đảng đồng thời góp phần tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng đảng của các cấp ủy Đảng.
Nhấn mạnh tầm trọng của công tác tập huấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Nguyễn Đức Thụ lưu ý, Hội nghị cần đi sâu vào những nội dung trọng tâm như: Kỹ năng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Phổ biến những nội dung lưu ý trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/20/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và các văn bản hướng dẫn thi hành; Một số vấn đề cơ bản về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đảng viên.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, trực tiếp trao đổi chuyên sâu về “Kỹ năng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”, Nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Trung ương I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đỗ Hùng Cường nêu rõ, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, một biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu.
“Muốn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ở tổ chức cơ sở đảng, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng và bản thân cấp ủy phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, phải có sự tham gia tích cực của đảng viên, phải kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp và phối hợp với các ban, ngành có liên quan”, ông Đỗ Hùng Cường nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hùng Cường cũng lưu ý, Ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra ở tổ chức cơ sở đảng phải nắm vững nhiệm vụ, nội dung, đối tượng, phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Trung ương I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đỗ Hùng Cường trình bày chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng tại Hội nghị tập huấn
Liên quan đến một số nội dung cần lưu ý trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng từ Đại hội XIII đến nay, Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Phạm Xuân Đảng cho biết, để có chủ trương, chính sách, quyết định đúng, giải pháp thực hiện tối ưu, kịp thời phát hiện sai sót, phát huy những mặt tích cực và hạn chế tiêu cực thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ngày càng quan trọng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát đã chỉ ra những nội dung mới, cần lưu ý như sau: (1)Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tạo sự chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về nhận thức mà còn đề cập đến trách nhiệm: “Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”; (2)Tiếp tục khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện các quy định nhằm “siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ”; (3)Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập rất rõ ràng, cụ thể về phương pháp, kỹ năng, quy trình cũng như chỉ ra trọng tâm, trọng điểm khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; (4)Lần đầu tiên Nghị quyết đại hội XIII của Đảng nêu ra vấn đề cần: “Nâng cao khả năng dự báo về những hành vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ để đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm”; (5)Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tách riêng giám sát thành một nội dung riêng trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp; (6)Nghị quyết xác định cần chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn nhằm ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của người được trao quyền – một trong những nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Phạm Xuân Đảng trình bày chuyên đề về một số nội dung cần lưu ý trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng từ Đại hội XIII đến nay
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Phạm Xuân Đảng cũng phân tích rõ về những nội dung cần chú trọng trong Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021, của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm.
Chiều cùng ngày, Hội nghị tiếp tục với chuyên đề chuyên sâu về Một số vấn đề cơ bản về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đảng viên. Trong đó, tập trung vào hoàn thiện lý lịch của người xin vào đảng, lý lịch đảng viên và bổ sung Hồ sơ đảng viên hàng năm./.