VĂN PHÒNG QUỐC HỘI TẬP HUẤN CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Toàn cảnh buổi tập huấn
Tại lớp tập huấn, các công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội đã nghe Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung - Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; thực trạng nguy cơ lộ lọt, mất bí mật Nhà nước; vấn đề phòng ngừa lộ, lọt bí mật Nhà nước qua các phương tiện thông tin liên lạc; danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, danh mục bí mật Nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; các kỹ năng cần thiết trong công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước như quy trình nghiệp vụ về bảo vệ bí mật Nhà nước trong công tác văn thư – lưu trữ, quy trình soạn thảo văn bản mật, quy trình xác định mức độ mật của tài liệu…
Theo đó, ngày 15/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000PL-UBTVQH10. Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, đồng thời sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 Chương, 28 Điều, phạm vi điều chỉnh quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện nay, văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gồm có: Nghị định số 26/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật; Thông tư số 24/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức, địa phương và 35 danh mục bí mật nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung - Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung chia sẻ, với mục đích nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước và có căn cứ để xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm 9 khoản tại Điều 5. Trong đó, báo cáo viên nhấn mạnh về quy định tại khoản 5 “Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu” và quy định tại khoản 7 “Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước”.
Sau khi nghe báo cáo viên chia sẻ về chính sách, pháp luật, quy trình, nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết, các công chức, viên chức và người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề quan tâm.
Kết thúc buổi tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Doãn Khôi nhấn mạnh, bảo vệ bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của các cơ quan, tổ chức luôn được quan tâm chỉ đạo; thể chế chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới. Nhiều giải pháp quan trọng được đề ra để công tác bảo vệ bí mật nhà nước đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước. Phó Vụ trưởng Nguyễn Doãn Khôi đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh buổi tập huấn
Các đại biểu tham dự tập huấn
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung - Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; thực trạng nguy cơ lộ lọt, mất bí mật Nhà nước; vấn đề phòng ngừa lộ, lọt bí mật Nhà nước qua các phương tiện thông tin liên lạc; danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, danh mục bí mật Nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội...
Sau khi nghe báo cáo viên chia sẻ về chính sách, pháp luật, quy trình, nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết, các công chức, viên chức và người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề quan tâm
Kết thúc buổi tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Doãn Khôi nhấn mạnh, bảo vệ bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của các cơ quan, tổ chức luôn được quan tâm chỉ đạo; thể chế chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới
Phó Vụ trưởng Nguyễn Doãn Khôi đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.