TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ BÁO CHÍ TUYÊN TRUYỀN ĐẬM NÉT VÀ TOÀN DIỆN VỀ KỲ HỌP THỨ 5

18/05/2023

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Để triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội ban hành Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT PHỤC VỤ KỲ HỌP THỨ 5, QH KHÓA XV THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Theo đó, mục đích đặt ra là cần tổ chức vận hành hiệu quả Trung tâm Báo chí Kỳ họp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, tác nghiệp, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng định hướng về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; qua đó, góp phần tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm công tác phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Quốc hội với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, Ban, ngành hữu quan trong việc cung cấp kịp thời, chính xác những nội dung chương trình nghị sự được Quốc hội xem xét, quyết định để các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin, tuyên truyền đậm nét, toàn diện về Kỳ họp; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm định hướng tuyên truyền, xử lý kịp thời sự cố truyền thông và hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5

Đề án cũng xác định rõ, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác, toàn diện về Kỳ họp; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, chú trọng tuyên truyền trên internet, thực hiện tuyên truyền linh hoạt, đan xen trên các phương tiện thông tin báo chí truyền thống và mạng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp.

Để đạt được các mục tiêu trên, Văn phòng Quốc hội yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV trong các bản tin thời sự, chuyên mục, chuyên đề; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về Kỳ họp.

Bên cạnh việc đưa tin, phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác về chương trình Kỳ họp, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng cường các bài viết phân tích chuyên sâu về những đổi mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước gắn với việc triển khai các Đề án, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV vê việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ngoài ra, các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng tin, bài phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân gửi tới diễn đàn Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tổ chức nắm bắt kịp thời các luồng ý kiến dư luận xã hội trong cử tri và Nhân dân phản ánh về Kỳ họp thứ 5 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát hiện và có giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, có dụng ý xấu trên mạng xã hội ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cá nhân các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đấu tranh với các xu hướng cơ hội, tạo chuyển biến, chuyển hóa ngay trong diễn đàn Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội.

Cùng với đó, cần tổ chức họp giao ban báo chí và trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan nhằm kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội về những vấn đề “bất thường” hoặc phải lưu ý trong công tác truyền thông về Kỳ họp; bảo đảm công tác định hướng thông tin, tuyên truyền và phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp phóng viên đưa tin, bài chưa chính xác về hoạt động của Quốc hội và phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp.

Đề án yêu cầu các cơ quan tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thành 03 giai đoạn: trước, trong và sau kỳ họp; bảo đảm tuyên truyền đậm nét vào thời gian gần đến ngày khai mạc kỳ họp và trong thời gian diễn ra kỳ họp. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương theo nguyên tắc bảo đảm đưa tin đầy đủ, cân đối, hài hòa giữa các vùng, miền, giữa Trung ương với địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm cung cấp kịp thời tin, bài, video về hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để tuyên truyền rộng rãi tại địa phương.

Ngoài ra, cần đổi mới hoạt động truyền thông, kịp thời biểu dương hoặc phê bình, kiểm điểm những tập thể, cá nhân triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội chưa hiệu quả. Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công tác an ninh, trật tự, an toàn đối với hoạt động báo chí tại kỳ họp; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Minh Hùng