ẤN PHẨM “GIỚI THIỆU VỀ TÒA NHÀ QUỐC HỘI VIỆT NAM” GÓP PHẦN GIÚP CHO NGƯỜI DÂN HIỂU RÕ HƠN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUỐC HỘI

27/02/2024

Việc biên soạn ấn phẩm “Giới thiệu về Tòa nhà Quốc hội Việt Nam” sẽ bao gồm giới thiệu về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, từ Hội trường Ba Đình đến Nhà Quốc hội, kiến trúc, hình ảnh tổng thể Tòa Nhà Quốc hội Việt Nam, giới thiệu các phòng chức năng trong Tòa Nhà Quốc hội…

SẼ TIẾP TỤC SƯU TẦM TƯ LIỆU, GẶP GỠ NHÂN CHỨNG CHO VIỆC BIÊN SOẠN CUỐN SÁCH “BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1946 – 2025)”

PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA BAN BIÊN SOẠN CUỐN SÁCH “BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1946-2025)”

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 139-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026). Một trong những công việc để thực hiện việc tuyên truyên là Văn phòng Quốc hội chủ trì; Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện biên soạn ấn phẩm “Giới thiệu về Tòa nhà Quốc hội Việt Nam”. Việc biên soạn ấn phẩm cũng là góp phần giúp cho người dân hiểu rõ hơn về lịch sử của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cũng như sự phát triển của Quốc hội cho đến nay.

Tòa nhà Quốc hội Việt Nam.

Theo đó, phần mở đầu ấn phẩm sẽ giới thiệu từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Với 14 nhiệm kỳ đã qua và hiện nay giữa nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã không ngừng đổi mới, lớn mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Bên cạnh đó, nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội cũng có ý nghĩa quan trọng gắn với các sự kiện, hoạt động thường xuyên của Quốc hội, đánh dấu những chặng đường phát triển của Quốc hội.

Từ năm 1946 đến nay, các kỳ họp Quốc hội được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau, gồm: (1) Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi diễn ra 17 kỳ họp Quốc hội từ năm 1946 đến năm 1952; từ năm 1954 đến năm 1963; năm 1975 (diễn ra kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V); (2) Chiến khu Việt Bắc – nơi diễn ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I năm 1953; (3) Hội trường Ba Đình – nơi diễn ra 81 kỳ họp Quốc hội từ năm 1963 đến năm 2007; (4) Hội trường Bộ Quốc phòng – nơi diễn ra 15 kỳ họp Quốc hội từ năm 2007 đến năm 2014; (5) Tòa nhà Quốc hội –  nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội từ năm 2014 đến nay.

Từ Hội trường Ba Đình đến Nhà Quốc hội

Hội trường Ba Đình là công trình đặc biệt, có nhiều công năng, được xây dựng trên một vị trí có ý nghĩa lịch sử: trước Quảng trường Ba Đình. Nơi đây ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đây là công trình lớn mang dấu ấn kiến trúc của thời đại Hồ Chí Minh, giữa khu Trung tâm chính trị Ba Đình có nhiều công trình kiến trúc theo phong cách Pháp. Không gian tự nhiên và những công trình xung quanh Hội trường Ba Đình cấu trúc tương đối hài hòa, bao gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một cột, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ…

Hội trường Ba Đình.

Hội trường Ba Đình được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ XX mục đích chính là để phục vụ các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội. Với diện tích xây dựng khoảng 2.600 m2, Hội trường Ba Đình gồm 3 tầng, mặt bằng bố trí theo hình chữ T. Với chức năng là “ngôi nhà chung”, Hội trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Những sự kiện được tổ chức tại đây không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn rất thiêng liêng, thân thiết, là niềm tin, là tình cảm của nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong hơn 4 thập kỷ, Hội trường Ba Đình đã đảm đương sứ mệnh lịch sử tổ chức các sự kiện lịch sử tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng: 11 nhiệm kỳ Quốc hội; 07 nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng; 05 nhiệm Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc; 05 nhiệm kỳ đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam; 05 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 06 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam… Ngoài ra, Hội trường Ba Đình còn nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn và các cuộc biểu diễn nghệ thuật.

Sau nhiều lần cải tạo sửa chữa Hội trường Ba Đình đã không đáp ứng được công năng sử dụng và chính tại địa danh lịch sử này đã có một công trình mang tầm vóc quốc gia, trang nghiêm và hiện đại thay thế, đó là Nhà Quốc hội. Nhưng, hình ảnh và những giá trị lịch sử của Hội trường Ba Đình vẫn còn mãi trong tâm trí của mỗi người Việ Nam và được bảo tồn bằng hệ thống tư liệu: phim, ảnh, hiện vật và mô hình trong Bảo tàng Quốc hội để giới thiệu đến đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế.

Kiến trúc tổng thể Tòa Nhà Quốc hội Việt Nam

Nhà Quốc hội là nơi làm việc của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa lịch sử và chính trị hết sức to lớn, với hình thức kiến trúc đẹp, sang trọng, hài hòa, là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đăt nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.

Việc lựa chọn phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình vừa thể hiện sự kế thừa và tiếp nối về mặt văn hóa, lịch sử của đất nước qua các thời đại, đỉnh cao là thời đại Hồ Chí Minh, vừa thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam… Công trình mang dáng vóc và ý nghĩa to lớn của một công trình được thiết kế đặc biệt, hội tụ tinh hoa kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến vào bậc nhất thời nay, Nhà Quốc hội ghi dấu ấn về một sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam và thực sự vươn tới tầm vóc biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, một niềm tự hào của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 và đưa vào vận hành tháng 10/2014; nằm trên diện tích 0,8 ha; mặt chính diện hướng Tây giáp đường Độc Lập, nhìn ra Quảng trường Ba Đình; mặt phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ, đối diện Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng; mặt phía Đông giáp đường Hoàng Diệu, đối diện Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; phía Nam giáp đường Bắc Sơn, đối diện Trụ sở Bộ Ngoại giao. Nhà Quốc hội có kích thước mặt bằng 102mx102m, chiều cao 39m, với quy mô xây dựng 5 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Kiến trúc tòa nhà thể hiện biểu tượng của sức mạnh, quyền lực của Quốc hội và mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam. Hình tròn tượng trưng cho Mặt trời và Người cha, và hình vuông tượng trưng cho Trái đất và Người mẹ. Phòng họp chính được đặt trên 8 cột tròn bao quanh sảnh chính như một vương miện quý, có vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian rộng lớn ở lối vào, nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sảnh chính Nhà Quốc hội là nơi tổ chức các nghi lễ đón tiếp khách trong nước và quốc tế, sảnh trung tâm có diện tích 2.900m2. Xung quanh sảnh trung tâm bố trí các phòng tiếp khách, phòng hội đàm và các phòng đa chức năng lớn nhỏ, khác nhau, được thiết kế trang trọng phù hợp với hoạt động tổ chức lễ tân các cấp độ khác nhau.

Khu vực sảnh trung tâm có 8 cột chính. Tám siêu cột ô van này được chạm khắc hình sóng nước kế thừa biểu tượng Thủy Ba trong điêu khắc truyền thống, nâng đỡ phòng Diên Hồng như một vương miện quý giá, với cấu trúc vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian sảnh rộng lớn ở lối vào, nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các phòng chức năng trong Tòa Nhà Quốc hội

1. Phòng họp Diên Hồng

Phòng Diên Hồng hay còn gọi là phòng họp chính, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội để bàn thảo và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Phòng họp chính được đặt tên là Diên Hồng, gợi nhớ đến Hội nghị Diên Hồng do vua, quan nhà Trần tổ chức vào cuối tháng Chạp năm 1284. Khi đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương nên hòa hay nên đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, các vị phụ lão có thể coi là những đại biểu của nhân dân.

Phòng họp Diên Hồng.

Phòng Diên Hồng được thiết kế hình vòng cung, có hai tầng, tầng một có 575 ghế ngồi của đại biểu Quốc hội, tầng hai có 393 ghế ngồi dành cho khách mời, khách tham quan và đại biểu dự thính. Các đại biểu Quốc hội có thể đi vào phòng Diên Hồng từ 3 cửa Đông, Tây và Bắc nằm ở tầng 3. Các khách mời, khách tham quan và đại biểu dự thính đi vào phòng Diên Hồng từ hai cửa Bắc, Nam trên tầng 5.

Trang thiết bị phòng Diên Hồng được trang bị hiện đại, có chức năng điểm danh, đăng ký phát biểu và biểu quyết điện tử. Trong phòng có bố trí hệ thống máy quay phim, màn hình để hiển thị thông tin của phiên họp và chuyển tải trực tiếp các tín hiệu từ phòng họp ra Trung tâm báo chí – khu vực tác nghiệp của phóng viên, báo chí để đưa tin về phiên họp. Hai bên hội trường có 02 màn hình vô tuyến lớn để đại biểu Quốc hội, khách mời, khách tham quan và đại biểu dự thính có thể theo dõi rõ ràng hơn các vị trí còn lại trong hội trường. Phía trên trần nhà được lắp đặt hàng nghìn đèn chiếu sáng với công suất lớn.

2. Phòng Tân Trào (Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Phòng Tân Trào là nơi diễn ra các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội, thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng trong thời gian Quốc hội không họp. UBTVQH họp thường kỳ một tháng một lần.

Phòng Tân Trào được bố trí ở tầng 2 của Nhà Quốc hội, với diện tích khoảng 500m2. Trong phòng có đặt hệ thống truyền hình cỡ lớn để thu phát và hiển thị thông tin cuộc họp cũng như phục vụ truyền hình trực tuyến.

Phòng Tân Trào là nơi thường diễn ra các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ghế ngồi trong phòng được bố trí hình ô van. Khu vực Đoàn Chủ tịch gồm 5 ghế bố trí tại phía Bắc của phòng; ghế cao nhất ở chính giữa dành cho Chủ tịch Quốc hội, 4 ghế ở vị trí hai bên dành cho 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và các ghế hai bên cánh cung dành cho các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phía đối diện với Đoàn Chủ tịch là khu vực dành cho khách mời gồm thành viên Chính phủ, đại diện các bộ, ngành và cơ quan, tổ chức kinh tế - xã hội khác.

Phong cách kiến trúc phòng họp mang dáng dấp châu Âu hiện đại được phối hợp hài hòa với nhu cầu sử dụng thực tế của người Việt Nam. Quý vị có thể nhìn thấy họa tiết chim lạc cổ trên các bức tường. Ngoài ra, phòng còn được trang trí thêm 4 bức tranh sơn dầu khác biểu trưng cho nét đẹp phong cảnh của 4 tỉnh thành trên cả nước, như Sài Gòn xưa và nay, cầu Tràng Tiền - Huế, Hồ Gươm - thủ đô Hà Nội và làng Sen quê Bác ở Nghệ An.

3. Phòng Thăng Long và các phòng chức năng

Các phòng tiếp khách quốc tế, phòng hội đàm, phòng Thăng Long, các phòng đa chức năng lớn, nhỏ khác nhau, được thiết kế trang trọng phù hợp với hoạt động tổ chức lễ tân các cấp độ khác nhau được bố trí tại Sảnh trung tâm tầng 1 Nhà Quốc hội, có diện tích khoảng 2.900m2.

Các phòng chức năng tại Sảnh trung tâm được đặt tên theo các loài hoa thể hiện nét đặc trưng, truyền thống của Việt Nam như phòng Hoa Đào, Hoa Sen, Hoa Mai, Hoa Ban, Hoa Lan. Phòng họp đa năng lớn nhất (Phòng Thăng Long) có diện tích khoảng 850m2, là nơi có thể tổ chức tiệc hoặc hội nghị cho khoảng 800 đại biểu, khi cần có thể chia thành 2-3 phòng nhỏ để tổ chức các sự kiện khác nhau.

4.Phòng họp Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổ Đại biểu Quốc hội

Họp Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ Đại biểu Quốc hội là một trong các hình thức làm việc của Quốc hội tại kỳ họp để xem xét thảo luận một số vấn đề thuộc nội dung kỳ họp trước khi Quốc hội thảo luận và quyết định tại phiên họp đoàn thể.

Khu vực phòng họp Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ Đại biểu Quốc hội được bố trí tại tầng 1, tầng 2 và tầng 4 của Nhà Quốc hội, đáp ứng đủ cho 63 đoàn đại biểu Quốc hội. Mỗi phòng họp đoàn đại biểu Quốc hội khi cần thiết có thể mở thông vách ngăn di động trở thành phòng họp của các tổ Đại biểu Quốc hội.

5. Trung tâm báo chí

Là nơi tác nghiệp của các phóng viên báo chí đưa tin về hoạt động của Quốc hội và là nơi tổ chức các cuộc họp báo của Lãnh đạo Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội. Thông thường trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo để công bố dự kiến chương trình kỳ họp; công bố kết quả kỳ họp Quốc hội. Tại các cuộc họp báo này, phóng viên trong nước và quốc tế có thể nêu câu hỏi và trao đổi ý kiến với Tổng Thư ký Quốc hội về các nội dung liên quan đến kỳ họp Quốc hội.

Trung tâm báo chí là nơi tác nghiệp của các phóng viên báo chí đưa tin về hoạt động của Quốc hội và là nơi tổ chức các cuộc họp báo của Lãnh đạo Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội.

Trung tâm báo chí được đặt tại tầng B1 của Nhà Quốc hội, có diện tích 300m2, đáp ứng được cho khoảng 200 phóng viên tác nghiệp. Tiếp giáp với Phòng họp báo có các khu vực phụ trợ, được bố trí với các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động báo chí. Tín hiệu âm thanh, hình ảnh từ Phòng họp Diên Hồng, Phòng họp Tân Trào được truyền trực tiếp đến Trung tâm báo chí để các phóng viên có thể theo dõi, đưa tin.

6. Bảo tàng Quốc hội

Phòng Truyền thống Quốc hội hiện nay có diện tích khoảng 800m2, trưng bày gần 500 hình ảnh, hiện vật góp phần tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1946 đến nay. Ngoài nội dung Khánh tiết, nội dung trưng bày chân dung các đồng chí Lãnh đạo, người đứng đầu Quốc hội, nội dung trưng bày gồm 04 chủ đề chính, như sau: Chủ đề 1: Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Tổng tuyển cử và sự ra đời của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chủ đề 2: Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và phát triển đất nước; Chủ đề 3: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp đổi mới đất nước; Chủ đề 4: Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Ngoài ra còn có Chuyên đề: Quốc hội Việt Nam với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); một số hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và trưng bày mô hình Hội trường Ba Đình, mô hình Nhà Quốc hội mới.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Lào nghe giới thiệu những nét cơ bản trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam.

Bảo tàng được kết nối với khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội thông qua một cầu thang bộ. Có thể nói, sự kết hợp giữa Bảo tàng Quốc hội với khu trưng bày hiện vật khảo cổ trở thành một bảo tàng sống động, là hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống.

7. Thư viện Quốc hội

Tổng diện tích Thư viện Quốc hội khoảng 600m2, riêng phòng đọc chính có diện tích hơn 500m2. Thư viện Quốc hội là nơi cung cấp các tài liệu tham khảo về chính trị, xã hội và pháp luật với hơn 20 ngàn đầu mục sách, tài liệu; 50 ngàn bản in; 108 đầu mục báo và tạp chí phục vụ cung cấp thông tin, tài liệu và dịch vụ nghiên cứu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội.

Thư viện Quốc hội được xây dựng để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm trí thức khoa học lập pháp hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

8. Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội

Được xây dựng nhằm tái hiện lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long xưa. Khu trưng bày có khoảng 400 di tích, di vật được chọn lọc từ khoảng 140 di tích và hàng chục ngàn di vật khảo cổ từ kết quả quá trình khai quật dưới lòng đất Nhà Quốc hội. Các hiện vật gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành, đồ kim loại và di cốt động vật…

Những di vật khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.

Với tổng diện tích khoảng 3.700m2, khu trưng bày được bố trí tại tầng B1 và B2 của Nhà Quốc hội. Trong đó, Tầng B2 (khoảng 2.000m2) trưng bày di tích, di vật thời kỳ Tiền Thăng Long (thế kỷ 7 -10). Đây là khu vực trưng bày kiến trúc khi trung tâm thời Đại La và một phần kiến trúc khu vực phía Bắc khu trung tâm thời Đinh – Tiền Lê.

Tầng hầm B1 (khoảng 1.700m2), là nơi trưng bày di tích, di vật thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11 – 18). Hệ thống 42 đèn cột ánh sáng giúp người xem hình dung về kiến trúc cung điện xưa được diễn giải với công nghệ trình diễn đồ họa sinh động nhằm tái tạo các di tích, di vật tỷ lệ kích thước thật.

Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội

Các tác phẩm gốm sứ: Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bát Tràng, 60 sản phẩm gốm sứ tiêu biểu do các nghệ nhân Bát Tràng chế tác tặng Quốc hội Việt Nam đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thay mặt lãnh đạo Quốc hội tiếp nhận từ đại diện làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là những sản phẩm gốm sứ độc đáo, những tác phẩm nghệ thuật văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam và đang được trưng bày tại nhà Quốc hội để giới thiệu với các vị đại biểu Quốc hội, khách tham quan và bạn bè quốc tế.

Những di vật khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.

Các tác phẩm nghệ thuật: Trong tòa nhà Quốc hội trưng bày 38 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam đã được Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch phê duyệt bao gồm: 1 bức tranh phù điêu bằng đồng về Hội nghị Diên Hồng (kích thước 1,8m, dài 14 m của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh); 02 thảm len trang trí hoa sen tại 02 phòng tiếp khách quốc tế Hoa Đào, Hoa Sen; 2 tranh sơn mài được trang trí tại phòng Thăng Long; 5 tượng điêu khắc được trưng bày tại hai khu vực phía Đông và Tây tầng 3 tòa nhà; 28 tranh sơn dầu tại các phòng họp trong Nhà Quốc hội.

Đường tranh nghệ thuật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội: Dự án “Đường tranh nghệ thuật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” với 35 tác phẩm đa thể loại và chất liệu tạo hình của 15 nghệ sĩ, hơn 100 trợ lý kỹ thuật, thợ lành nghề ở hơn 10 xưởng tại Hà Nội, Thái Bình và Huế đã hoàn thành sau hơn 3 tháng sản xuất lắp đặt và thi công.

Với những cụm tác phẩm sắp đặt không gian kích thước lớn, các tác phẩm đã phủ kín hơn 500 mét dài trong không gian thuộc 3 khu vực đường hầm Nhà Quốc hội, từ khu vực đường hầm nhỏ, đường hầm lớn và lối hầm nhà để xe.

Những tác phẩm với đa dạng chất liệu: từ sơn mài truyền thống, đồ họa mở đến các chất liệu sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… đã làm biến đổi hoàn toàn không gian lối đi hầm có sẵn của Nhà Quốc hội trở thành một không gian nghệ thuật mang đậm tính nghệ thuật đương đại phục vụ công chúng tham quan Nhà Quốc hội.

Hình ảnh giới thiệu về Tòa nhà Quốc hội Việt Nam

1. Hình ảnh hoạt động nổi bật diễn ra tại Hội trường Ba Đình gồm: Hình ảnh các cuộc họp Quốc hội diễn ra tại Hội trường Ba Đình; hình ảnh sự kiện quan trọng diễn ra tại Hội trường Ba Đình.

2. Hình ảnh hoạt động nổi bật diễn ra tại Nhà Quốc hội gồm: Hình ảnh các kỳ họp Quốc hội diễn ra tại phòng họp Diên Hồng. Hình ảnh các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Hình ảnh đón tiếp các đoàn khách quốc tế và các sự kiện đối ngoại quan trọng của Quốc hội. Hình ảnh hội nghị và các sự kiện nổi bật của Quốc hội.

3. Hoạt động tham quan Nhà Quốc hội gồm: Hình ảnh hướng dẫn tham quan Nhà Quốc hội. Hình ảnh dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội

4. Địa điểm đã từng diễn ra tại các kỳ họp Quốc hội: Hình ảnh nhà hát Lớn Hà Nội; hình ảnh kỳ họp thứ 3 của Quốc hội tại chiến khu Việt Bắc; hình ảnh hội trường Ba Đình; hình ảnh hội trường Bộ Quốc phòng; hình ảnh Tòa nhà Quốc hội./.

Bích Lan