THÔNG BÁO SỐ 327/TB-VPQH VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ ĐỐI VỚI TRỢ LÝ, THƯ KÝ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

11/03/2024

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo số 327/TB-VPQH về việc phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Trợ lý, Thư ký đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI PHẠM THÁI HÀ CHỦ TRÌ GIAO BAN BÁO CHÍ THÁNG 2/2024

ĐIỀU ĐỘNG, BỔ NHIỆM ĐỒNG CHÍ BÙI THẾ CỬ GIỮ CHỨC TRỢ LÝ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Theo đó, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội; Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 của Bộ Chính trị Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký; Căn cứ Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 ngày 12/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; Căn cứ Quyết định số 679/QĐ-VPQH ngày 30/8/2022 của Văn phòng Quốc hội về việc phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội;

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thông báo phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Trợ lý, Thư ký Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

1. Công tác trợ lý, thư ký giúp việc Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội ngày càng hiệu quả, chất lượng; thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách và tuân thủ các quy định của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các quy định pháp luật khác liên quan.

2. Các Trợ lý, Thư ký tham mưu cho ý kiến và bước đầu xử lý các văn bản theo lĩnh vực phân công trình Chủ tịch Quốc hội; soát xét lần cuối các văn bản, nghị quyết, quyết định theo lĩnh vực được phân công trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành; hằng ngày qua báo chí, qua các phương tiện truyền thông, các cơ quan lĩnh vực theo dõi nắm bắt tình hình dư luận quan tâm để chủ động tham mưu, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt chủ động nghiên cứu trước các tài liệu, thông tin liên quan đến các cuộc họp, làm việc Chủ tịch Quốc hội tham dự; đối với các dự thảo bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội thuộc lĩnh vực theo dõi, các đồng chí Trợ lý, Thư ký chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có) trước khi trình Chủ tịch Quốc hội và thực hiện theo trình tự xử lý công việc.

3. Đối với các chuyến đi công tác trong và ngoài nước của Chủ tịch Quốc hội, theo lĩnh vực được phân công, Trợ lý tháp tùng là đầu mối phối hợp với Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình chuyến công tác. Đối với các dự thảo bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, sau khi Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trình, các Trợ lý, Thư ký theo lĩnh vực được phân công rà soát, tham gia ý kiến và gửi lại Văn phòng Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện xong gửi Thư ký để trình Chủ tịch Quốc hội và thực hiện theo trình tự xử lý công việc.

4. Đảm bảo nguyên tắc công chức, công vụ, một việc chỉ giao một người thực hiện và chịu trách nhiệm; trong trường hợp nghỉ, vắng sẽ chuyển giao công việc sang người khác đảm nhiệm, đảm bảo mọi công việc luôn được thông suốt. Tham gia đầy đủ các cuộc họp, cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội theo lĩnh vực được phân công từ đầu đến khi kết thúc và lưu trữ tài liệu theo quy định.

5. Với các nhiệm vụ nêu trên, Trợ lý, Thư ký có quyền hạn sau đây:

- Đối với Trợ lý: Được phối hợp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên để thực hiện nhiệm vụ, nếu có vấn đề phát sinh hoặc chưa rõ cần trao đổi với cơ quan, đơn vị chủ trì thống nhất, làm rõ trước khi trình Chủ tịch Quốc hội; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao. Được đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc. Được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc được phân công theo dõi. Tham dự các cuộc họp giao ban Lãnh đạo Quốc hội; giao ban Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; giao ban Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với các Vụ, Cục, đơn vị để kịp thời chia sẻ, nắm bắt thông tin triển khai công việc.

- Đối với Thư ký: Tiếp nhận, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đến cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Được đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc; được phối hợp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ. Được mời tham dự các cuộc họp, giao ban theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội và phát biểu khi cần thiết.

6. Về trình tự xử lý công việc được thực hiện như sau:

(i) Đối với các tài liệu nhận từ Vụ Hành chính hoặc từ Chủ tịch Quốc hội, Thư ký phân loại, chuyển các trợ lý theo lĩnh vực được phân công (đảm bảo thời gian sớm nhất);

Đối với tài liệu, tờ trình Chủ tịch Quốc hội từ các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì gửi trực tiếp đến Trợ lý, Thư ký theo lĩnh vực được phân công theo dõi;

(ii) Trợ ký, thư ký chủ trì tham mưu, thẩm định tài liệu. Đối với những nội dung khó, phức tạp cần đề xuất phương án phối hợp đảm bảo kịp thời, hiệu quả;

(iii) Trợ lý trình trực tiếp tài liệu gấp hoặc chuyển tài liệu đã có ý kiến để Thư ký tập hợp trình Chủ tịch Quốc hội (đầu giờ, cuối giờ sáng, chiều hoặc theo giờ phù hợp);

(iv) Thư ký thông báo các tài liệu có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để Trợ lý Phạm Thái Hà điều phối theo lĩnh vực, nhiệm vụ do các Trợ lý, Thư ký phụ trách biết, thực hiện, theo dõi đến khi kết thúc công việc;

(v) Thư ký lưu trữ các tài liệu của Chủ tịch Quốc hội nộp lưu chiểu theo quy định.

Đồng chí Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

II. PHÂN CÔNG THEO DÕI, GIỮ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

1. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Phạm Thái Hà

- Đảng đoàn Quốc hội;

- Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội;

- Ủy ban Đối ngoại;

- Ban Công tác đại biểu;

- Hội đồng bầu cử quốc gia;

- Các Vụ, đơn vị giúp việc: Công tác đại biểu; Tổ chức cán bộ; Tổng hợp; Đối ngoại; Thông tin; Kế hoạch, tài chính; Lễ tân và Hợp tác quốc tế.

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan lĩnh vực theo dõi;

- Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực theo dõi;

- Các tỉnh, thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội tương ứng các tỉnh, thành phố (15 tỉnh): Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Quốc hội phân công.

Đồng chí Hoàng Xuân Hòa - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

2. Trợ lý Hoàng Xuân Hòa

- Ủy ban Kinh tế;

- Ủy ban Xã hội;

- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

- Các Vụ, đơn vị giúp việc: Kinh tế; Xã hội; Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan lĩnh vực theo dõi;

- Các Hội nghị sĩ của Quốc hội;

- Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực theo dõi;

- Các tỉnh, thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội tương ứng các tỉnh, thành phố (16 tỉnh, thành phố): Tp.Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lắk.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Quốc hội phân công.

Đồng chí Bùi Thế Cử - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội 

3. Trợ lý Bùi Thế Cử

- Ủy ban Pháp luật;

- Ủy ban Tư pháp;

- Ủy ban Quốc phòng và An ninh;

- Ban Dân nguyện;

- Viện Nghiên cứu lập pháp;

- Các vụ, đơn vị giúp việc: Pháp luật; Tư pháp; Quốc phòng và An ninh; Dân nguyện; tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;

- Tòa án tối cao;

- Ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan lĩnh vực theo dõi;

- Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực theo dõi;

- Các tỉnh, thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội tương ứng các tỉnh, thành phố (16 tỉnh, thành phố): Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Đồng Nai.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Quốc hội phân công.

Đồng chí Mai Quý Công - Thư ký Chủ tịch Quốc hội.

4. Thư ký Mai Quý Công

- Hội đồng Dân tộc;

- Ủy ban Tài chính, Ngân sách;

- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục;

- Các vụ, đơn vị giúp việc: Dân tộc; Tài chính, Ngân sách; Văn hóa, Giáo dục; Phục vụ hoạt động giám sát; Thư ký; Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội; Văn phòng Đảng - Đoàn thể; các vụ, đơn vị liên quan như: Hành chính, quản trị; công tác lễ tân, tiếp khách hằng ngày khi khách tới làm việc với Chủ tịch Quốc hội.

- Kiểm toán nhà nước;

- Ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan lĩnh vực theo dõi;

- Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực theo dõi;

- Các tỉnh, thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội tương ứng các tỉnh, thành phố (16 tỉnh, thành phố): Cần Thơ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Bến Tre, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Quốc hội phân công.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đồng chí Trợ lý, Thư ký phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị theo đúng nhiệm vụ được phân công. Định kỳ hàng tháng họp giao ban nhóm để rà soát, trao đổi thông tin, phối hợp linh hoạt nhiệm vụ công tác.

2. Thống nhất phân công Phó Chủ nhiệm, Trợ lý Phạm Thái Hà thực hiện điều phối chung công việc của nhóm theo các nguyên tắc như đã nêu tại phần I, đảm bảo tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ; phối hợp với Thư ký, theo dõi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội đến khi công việc hoàn thành. Trường hợp nghỉ, vắng thì ủy quyền cho Trợ lý khác thực hiện điều phối công việc.

3. Trường hợp nhận thông tin chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý, Thư ký thông báo với người được phân công theo lĩnh vực công tác để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời giải quyết; trường hợp đột xuất, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thư ký chủ động xử lý giải quyết và thông báo lại cho người được phân công lĩnh vực theo dõi.

4. Các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm phối hợp công tác chặt chẽ với các Trợ lý, Thư ký theo Thông báo này. Văn phòng Quốc hội ban hành mẫu văn bản tờ trình thể hiện đầy đủ các nội dung ý kiến tham mưu, đề xuất của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Trợ lý, Thư ký khi trình Chủ tịch Quốc hội.

5. Thông báo này thay thế Thông báo số 2825/TB-VPQH, ngày 17/11/2022 và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện sẽ được xem xét, điều chỉnh khi có vấn đề phát sinh cho phù hợp với thực tiễn công tác./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác