Đây là nội dung mới, lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các đại biểu Quốc hội trao đổi với các thành viên Chính phủ về kết quả thực hiện “những lời hứa” tại các kỳ họp trước, trước khi tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.
Báo cáo của Chính phủ đề cập đến ba lĩnh vực gồm nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; lao động, thương binh và xã hội. Báo cáo khẳng định nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, có nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện; chống buôn lậu và gian lận thương mại; thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiêu thụ nông sản; nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quá tải bệnh viện, y đức, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng, xử lý khiếu kiện đông người, trật tự an toàn giao thông...
Thảo luận về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các nội dung trong Nghị quyết số 30/2012/QH13 và Nghị quyết số 40/2012/QH13 đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra.
Những vấn đề đại biểu, cử tri kiến nghị, bức xúc bước đầu được giải quyết, tháo gỡ. Song, các đại biểu cũng cho rằng, việc giải quyết còn chưa triệt để, đồng bộ; kiến nghị các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, thường xuyên với những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài hơn.
Nhiều ý kiến trong buổi thảo luận sáng nay đề cập đến tình hình khó khăn đời sống của người dân tại các công trình thủy điện, trong đó có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương; chính sách dành cho đồng bào nghèo, đồng bào tái định cư tại vùng thủy điện; việc phát triển mô hình chăn nuôi; chính sách ưu tiên đối với các nhà máy chế biến nông sản trong nước…
Cần những giải pháp căn cơ trong phòng chống bão lũ, phát triển nông nghiệp
Chuyển đến Quốc hội tiếng nói của cử tri miền Trung, thường xuyên sống chung với bão lũ, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) tha thiết: “Ngay giờ phút này, bà con Nam trung bộ đang bị mưa lũ.” “Bà con cử tri kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có giải pháp thật căn cơ để hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân vùng bão lũ.”
Cho rằng, cần có cơ chế đặc thù cho những người dân tại những địa phương thường xuyên sống chung với bão, lũ, đại biểu Phúc kiến nghị cần quy hoạch lại khu vực này gắn với xây dựng nông thôn mới; hệ thống thủy điện, thủy lợi.
Bày tỏ bức xúc với hành vi xả lũ mà không thông báo cho địa phương, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, đại biểu Phúc chỉ trích: “Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương không biết. Phải điều tra, xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự vì hậu quả thiệt hại cho nhân dân là rất lớn."
Vị đại biểu Đoàn Hà Tĩnh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai việc xây dựng nhà tránh lũ; xây dựng giao thông nông thôn khu vực này theo hướng kiên cố hơn và bê tông hóa.
Kết thúc ý kiến của mình, đại biểu Phúc mong muốn: “Đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt để thực hiện.”
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần có quy định chặt chẽ về quy trình xả nước của các hồ, đập, không để vì lợi ích nhỏ mà ảnh hưởng đến lợi ích lớn, đến tính mạng, tài sản của người dân. Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự để bảo đảm các quy trình xả nước được tuân thủ chính xác.
Mang đến diễn đàn Quốc hội những khó khăn trong đời sống bấp bênh của bà con cử tri tại các công trình thủy điện, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, tình trạng này có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương trong việc chậm trễ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng thủy điện.
“Năm 2013 sắp kết thúc nhưng chính sách dành cho đồng bào nghèo, đồng bào tái định cư tại vùng thủy điện vẫn chưa được ban hành. Bộ trưởng Bộ Công Thương còn cho rằng việc này thuộc về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn,” đại biểu Học bức xúc.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, cần có những giải pháp mạnh, mới có thể nâng cao đời sống người nông dân.
Nhắc lại một ý kiến đã được đề xuất từ những kỳ họp trước, nhưng chưa được quan tâm, thực hiện, đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục đề nghị: “Cần thực hiện ngay việc ưu đãi hoàn toàn về thuế cho các cơ sở chế biến nông sản trong nước để hình thành các cứ điểm phát triển nông nghiệp.” Theo đại biểu, có như vậy mới có thể đẩy mạnh nền sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề chính sách và nó nằm ngoài khả năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng về những vấn đề nông nghiệp, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) trăn trở, các cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong nước chưa có được những con giống thực sự đáp ứng mong đợi của bà con làm nông nghiệp.
Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực chỉ đạo, có biện pháp để huy vai trò mạnh mẽ vai trò hiệu quả của các cơ sở nghiên cứu, nhằm đưa đến cho người nông dân con giống thực sự chất lượng, ngang tầm khu vực.
Vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường - nỗi đau của cả ngành y tế
Tham gia giải trình tại buổi thảo luận, trả lời câu hỏi về y đức của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trách nhiệm của Bộ, của ngành đối với vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Theo Bộ trưởng, vấn đề y đức, đặc biệt là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, dù khách quan hay chủ quan, người đứng đầu Bộ Y tế đều có liên quan trách nhiệm.
"Vụ Cát Tường là sự mất nhân tính chứ không chỉ là đạo đức ngành y, nó đã gây đau đớn cho tất cả ngành y, tất cả cán bộ y tế đều không tin đó là sự thật," Bộ trưởng thừa nhận.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là một lần cảnh tỉnh toàn bộ ngành y tế vượt qua khó khăn và quyết tâm sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm. Bộ cũng đang biên soạn tài liệu về đạo đức ứng xử nghề nghiệp ngành y.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết đã thiết lập đường dây nóng cả ba cấp, người dân có thể gọi trực tiếp để phản ánh. "Riêng thời gian qua đã nhận hơn một ngàn cuộc gọi, 50% người dân phản ánh thái độ không tốt của nhân viên y tế," Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, lần đầu tiên, Bộ đã tổ chức 11 lớp quy tắc ứng xử đạo đức cho 6.000 cán bộ trong ngành. “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc là y đức là vấn đề rất lớn. Mong đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi hàng năm, với khối lượng rất lớn các ca khám chữa bệnh, không tránh khỏi có tai biến và có cán bộ y tế 'con sâu làm rầu nồi canh'," Bộ trưởng nói.
Ngăn chặn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản
Quan tâm đến các biện pháp giải quyết vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đặt vấn đề cần xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản liệu có phải do kỷ luật ngân sách không nghiêm hay không? Thứ hai làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Ngân sách Nhà nước, trong đó đặt ra yêu cầu phải dành vốn đầu tư để ưu tiên cho xây dựng cơ bản. Đây được xem như một giải pháp để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.
Về mặt trách nhiệm về tài chính và giải pháp về kinh tế thì đây là yêu cầu đúng đắn. Tuy nhiên, xét về mặt kỷ luật ngân sách và trách nhiệm quản lý của cá nhân và các cơ quan có liên quan vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng "Liệu có phải vấn đề trách nhiệm đã bị khỏa lấp vào áp lực giải nguy cho nền kinh tế hay không? Liệu có những khuất tất trong rà soát, đánh giá nguyên nhân vấn đề? Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản liệu có tiếp diễn hay không?" Đại biểu chất vấn.
Đánh giá cao quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chấn chỉnh hoạt động đầu tư tuy nhiên, nếu nguyên nhân về những thể chế và trách nhiệm của những tồn tại không được xác định rõ, xử lý không nghiêm, việc xây dựng và thực hiện Luật Đầu tư công kém hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị Bộ trưởng cho biết đã làm rõ hoặc xử lý theo thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào đối với việc để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và các giải pháp ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương về việc thống kê có bao nhiêu dự án đầu tư bỏ hoang hóa, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết Bộ sẽ tiến hành rà soát lại các dự án này. Vấn đề các dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhưng không có tiền để dàn trải đã trả lời các đại biểu nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, các dự án do các địa phương cấp phép cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước lấp đầy các khu công nghiệp sẽ cho rà soát, thống kê đầy đủ.
Đối với việc thống kê về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng nợ đọng xây dựng cơ bản có nhiều dạng, Nợ trong kế hoạch nhà nước, ghi cho các bộ ngành nhưng thường làm quá nợ các công trình ghi kế hoạch. Thứ hai là các công trình thuộc ngân sách địa phương. Có nhiều số liệu báo cáo về vấn đề này, có số liệu là 100.000 tỷ, có số liệu là 85.000 tỷ... Số liệu mới nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê được là chỉ còn 43.000 tỷ. Đây là nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.
Bộ trưởng khẳng định hiện tại, ngân sách hỗ trợ cho địa phương phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phê duyệt mới được thực hiện. Bên cạnh đó, trong thứ tự ưu tiên phải bố trí vốn đầu tư cho các công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng thiếu vốn vì Bộ ý thức được rằng nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ gây ra nhiều tác hại, trước hết là cho doanh nghiệp gặp khó khăn, tiếp theo là liên đới đến nợ của ngân hàng. Vì vậy phải giải quyết vấn đề này.
Có thể khẳng định, trong một thời gian ngắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu mưu trực tiếp cho Chính phủ ban hàng Chỉ thị 1792. Tác động của Chỉ thị đã có bước chuyển mạnh mẽ, nợ đọng xây dựng cơ bản hiện đang giảm nhanh và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Về cơ bản, đến năm 2015, các địa phương sẽ khống chế được nợ đọng xây dựng cơ bản. hoạt động quản lý ngày càng đi vào nền nếp...
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các thành viên Chính phủ đã có nhiều cố gắng lớn, nhiều văn bản trong đó có các dự án luật, các đề án đã được Chính phủ triển khai, chỉ đạo thường xuyên, có các giải pháp thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Chính việc thực hiện các Nghị quyết đã góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô. thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững... Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có nhiều vấn đề cần tìm ra nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể...
Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội tiếp tục xây dựng các chính sách pháp luật sớm, kịp thời cho chỉ đạo điều hành của Chính phủ; tìm ra các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiêm túc thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân gây ảnh hưởng đến người dân và xã hội.
Bên cạnh đó, Trung ương và địa phương cần có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Các bộ ngành chức năng cần đề cao đạo đức xã hội, trong đó có trách nhiệm đối với Quốc hội, nhân dân về nhiệm vụ; quan tâm thực hiện lời hứa đối với Quốc hội.
Chiều 19/11, phiên chất vấn bắt đầu với phần trả lời đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát./