Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

09/09/2014

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 9/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tán thành cao với quy định mới về loại hình doanh nghiệp xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng đây là quy định phù hợp với nhu cầu đang phát sinh trong thực tế, cần được Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích, để doanh nghiệp đóng góp vào các hoạt động phục vụ cộng đồng. Về vấn đề này, có ý kiến đề xuất, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp Nhà nước tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là các doanh nghiệp lớn, Tập đoàn, Tổng Công ty thì cũng cần phải được tạo điều kiện bằng quy định trong luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi)

Theo Luật doanh nghiệp hiện hành, các doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận. Trường hợp doanh nghiệp muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này đã thể hiện sự bất cập của Luật hiện hành, gây phiền hà không cần thiết cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Đa số đại biểu phát biểu tại Hội nghị đều tán thành cao với nội dung quy định này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định theo hướng tạo điều kiện cho công tác hậu kiểm, quản lý Nhà nước định kỳ; tránh việc nợ thuế kéo dài, lừa gạt và cần cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác này.

Cổng thông tin điện tử