CẦN NGHIÊN CỨU THÊM CƠ CHẾ, CÁCH THỨC ĐỂ TĂNG CƯỜNG GIẢI QUYẾT ĐƠN GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM TẠI VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

21/09/2020

Thẩm tra báo cáo của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Phiên họp thứ 48 của UBTVQH, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần nghiên cứu thêm cơ chế, cách thức để tăng cường giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm trước hết là tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Về tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, VKSND (Viện Kiểm sát nhân dân) các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đạt được một số kết quả. VKSNDTC (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đã ban hành mới và sửa đổi, bổ sung một số quy chế, quy trình nghiệp vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Viện trưởng VKSND các cấp tăng cường hơn trách nhiệm trong việc tiếp công dân ; tại nhiều địa phương đã tham gia các buổi tiếp công dân định kỳ của đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cùng cấp. Việc tiếp nhận và xử lý đơn cơ bản đúng pháp luật, quy trình giải quyết bảo đảm khách quan, chặt chẽ, VKSND các cấp đã tiếp nhận 75.048 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh, trong đó có 23.873 đơn/13.018 vụ thuộc thẩm quyền của VKSND, đã giải quyết 11.074 đơn/6.913 vụ, đạt tỷ lệ 53,1%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo.

Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tiếp tục được VKSND các cấp quan tâm thực hiện. Đã giải quyết được 88,74% đơn khiếu nại và 94,7% đơn tố cáo , qua đó kịp thời phát hiện nhiều quyết định, hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có vi phạm và yêu cầu giải quyết lại: VKSND các cấp đã hủy 10 quyết định giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra và VKSND vì thiếu căn cứ, có vi phạm, trong đó, hủy 04 quyết định không khởi tố vụ án hình sự để yêu cầu giải quyết lại. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2019; tỷ lệ giải quyết đạt 50,2% (tăng 6,3%) ; qua công tác giải quyết đơn, VKSND có thẩm quyền đã ban hành 414 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 83 kháng nghị (tăng 25%), kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Cùng với việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trong năm 2020, VKSND các cấp đã chú trọng công tác rà soát, kiểm tra các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực của VKSND. Thông qua kiểm tra 187 vụ, việc đã phát hiện và huỷ 18 quyết định giải quyết khiếu nại thiếu căn cứ, trái pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKSND các cấp vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nói chung thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND giảm 4,4 % so với năm 2019.

Về giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: Mặc dù tỷ lệ giải quyết đạt cao nhưng chưa chỉ ra các dạng vi phạm chủ yếu của cán bộ tiến hành tố tụng để kiến nghị, yêu cầu rút kinh nghiệm chung. Theo báo cáo, VKSND các cấp kết luận 70 khiếu nại có căn cứ, đã giải quyết hủy 10 quyết định có vi phạm, đề nghị báo cáo rõ thêm về kết quả giải quyết đối với 60 khiếu nại có căn cứ còn lại. Về tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: Tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội (tỷ lệ giải quyết mới đạt 50,2% trong khi Quốc hội yêu cầu đạt trên 60%); số đơn chưa được xem xét, giải quyết thuộc trách nhiệm của VKSND còn nhiều (10.696 đơn/3.544 việc). Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết tại VKSNDTC rất thấp, chỉ giải quyết được 682/2.867 vụ, tỷ lệ 23,8%.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo báo cáo, trong thời gian vừa qua, VKSNDTC đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn, khắc phục tình trạng tồn đọng đơn, sửa đổi và bổ sung quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn, áp dụng nhiều biện pháp rút ngắn thời gian giải quyết tránh tồn đơn… Tuy nhiên, thực tế kết quả giải quyết cho thấy những biện pháp này chưa tạo được nhiều chuyển biến rõ nét. Bên cạnh đó, qua giải quyết đơn, VKSND đã ban hành 414 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, cho thấy, công tác này chính là một trong những kênh quan trọng để VKSND phát hiện sai phạm và kháng nghị; do đó, việc tồn đọng số lượng lớn đơn chưa được giải quyết sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị. Qua rà soát, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND cũng cho thấy chất lượng giải quyết đơn trong một số trường hợp chưa cao, qua kiểm tra 187 vụ việc đề nghị xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật thì có tới 18 quyết định thiếu căn cứ, trái pháp luật phải huỷ (tỷ lệ 9,6%). Đề nghị Viện trưởng VKSNDTC tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tổng rà soát, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại và báo cáo kết quả đến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

Về tình hình và kết quả kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, Ủy ban Tư pháp nhận thấy số lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp vẫn chủ yếu tập trung tại Cơ quan điều tra các cấp (chiếm 78,2%). Đồng thời VKSND chưa phân tích rõ những thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo là vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết hay vi phạm về nội dung giải quyết.

Trên cơ sở thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo của VKSNDTC. Tuy nhiên, một số nguyên nhân như: biên chế làm công tác giải quyết đơn còn thiếu, nhiều đồng chí thiếu kinh nghiệm; tại các VKSND cấp huyện phần lớn là công chức kiêm nhiệm và mới vào ngành, trình độ, nghiệp vụ, kinh nghiệm còn hạn chế…. đã kéo dài qua nhiều năm và là nguyên nhân chủ quan, trước hết do công tác tổ chức sắp xếp cán bộ trong nội bộ ngành KSND. Vì vậy, đề nghị Viện trưởng VKSNDTC đánh giá cụ thể và tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tại các VKSND cấp huyện để khắc phục những hạn chế này. Về giải pháp, trước kết quả giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay tại VKSND cấp cao là 70%, tại VKSDNTC chỉ là 23,8% thì Ủy ban Tư pháp thấy rằng, VKSNDTC cần nghiên cứu thêm cơ chế, cách thức để tăng cường giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm trước hết là tại VKSNDTC./.

Hồ Hương