HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA
TIỂU BAN NHÂN SỰ
---------------------
Số: 53/HĐBCQG-TBNS
V/v hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc kê khai Hồ sơ lý lịch
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------------------------
Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2021
|
Kính gửi: Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng
Ban Công tác đại biểu nhận được Công văn số 200/SNV-XDCQ&CTTN ngày 28/01/2021 của Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng đề nghị hướng dẫn cụ thể ghi tên thường dùng hay tên khai sinh tại các biểu mẫu số 5,10,11,12,13,18,19, 20,21,22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 đối với người hoạt động tôn giáo, ngoài việc ghi theo nội dung tôn giáo (ví dụ: HÒA THƯỢNG THÍCH THANH A…) có ghi thêm nội dung nào khác vào phần thẻ cử tri, danh sách cử tri không? Trường hợp ghi cả tên thường dùng, tên khai sinh hoặc tên khác ngoài chức danh tôn giáo (đối với người hoạt động tôn giáo) khi sắp xếp tên trong danh sách theo vần chữ cái A, B, C thì sắp xếp theo tên thường dùng hay tên khai sinh? Tên khác ngoài chức danh tôn giáo hay chức danh tôn giáo? Tiểu ban Nhân sự đã báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia và xin thông báo ý kiến của Hội đồng bầu cử quốc gia về vấn đề này như sau:
Ngày 18/01/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, người ứng cử phải kê khai đầy đủ họ và tên thường dùng, họ và tên khai sinh trong Đơn ứng cử, Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Vì vậy, trong các mẫu 5,10,18,19,20,21,22,23,24,25,26,27,28 khi lập danh sách có liên quan đến người ứng cử, tổ chức phụ trách bầu cử cần ghi đúng họ và tên đã khai trong hồ sơ của người ứng cử. Trường hợp họ và tên khai sinh của người ứng cử khác với họ và tên thường dùng hoặc người ứng cử có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo thì tại phần ghi họ và tên người ứng cử được viết thống nhất theo nguyên tắc như sau: Họ và tên khai sinh được viết trước, họ và tên thường dùng hoặc chức vị, pháp danh theo tôn giáo được viết sau và được đặt trong dấu ngoặc đơn ( ); không cần ghi bí danh hoặc các tên gọi khác chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp hoặc đã lâu không còn sử dụng.
Ví dụ: người ứng cử có tên thường dùng là Nguyễn Văn, tên khai sinh là Nguyễn Văn A thì tên trong danh sách người ứng cử là: NGUYỄN VĂN A (NGUYỄN VĂN); hoặc người ứng cử là chức sắc tôn giáo có tên khai sinh là Nguyễn Văn A, chức vị và pháp danh trong tôn giáo là Hòa thượng Thích Thanh A hoặc Linh mục Nguyễn Văn A thì ghi tên người ứng cử là NGUYỄN VĂN A (HÒA THƯỢNG THÍCH THANH A) hoặc NGUYỄN VĂN A (LINH MỤC NGUYỄN VĂN A). Trong các mẫu 5,10,18,19,20,21, 22,23,24,25,26,27,28 có thể viết liên tục trong một dòng hoặc thể hiện thành hai dòng liền nhau nhưng phải có cùng một kiểu chữ, cỡ chữ như họ tên của người ứng cử khác trong cùng danh sách.
Đối với việc thể hiện tên cử tri trong các mẫu số 11,12,13 đối với người hoạt động tôn giáo thì vẫn viết theo nguyên tắc như sau: Họ và tên khai sinh được viết trước, họ và tên thường dùng hoặc chức vị, pháp danh theo tôn giáo được viết sau và được đặt trong dấu ngoặc đơn ( ); không cần ghi bí danh hoặc các tên gọi khác chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp hoặc đã lâu không còn sử dụng. Riêng mẫu số 12,13 không có mục giới tính thì ghi Ông (bà) vào trước tên cử tri.
*
* *
Trên đây là ý kiến của Hội đồng bầu cử quốc gia về vấn đề địa phương đề nghị hướng dẫn. Tiểu ban Nhân sự xin trân trọng thông báo./
Nơi nhận:
- Như trên,
- Trưởng Tiểu ban Nhân sự của HĐBCQG (để b/c);
- Lưu: HC, VPHĐBCQG, CTĐB.
E-pas: 10794
|
TM. TIỂU BAN NHÂN SỰ
KT. TRƯỞNG TIỂU BAN
PHÓ TRƯỞNG TIỂU BAN
(Đã ký)
Trần Văn Túy
|
|