VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP NGUYỄN VĂN HIỂN: NGHỊ QUYẾT 05/2021/UBTVQH15 – ĐÁNH THỨC ĐAM MÊ

31/01/2022

“Việc UBTVQH ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức là bước ngoặt quan trọng, tác động tích cực đến nhiều mặt, làm “hồi sinh” nhiều vấn đề chưa được khai mở…” là chia sẻ của TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022.

 

Phiên họp thứ Nhất Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Năm 2021 đã khép lại với nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, cùng với với tinh thần chủ động, quyết liệt thực hiện chức năng, nhiệm vụ từ sớm, từ xa, không ngừng đổi mới của Quốc hội khóa XV, Viện Nghiên cứu lập pháp đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Lãnh đạo Quốc hội tin tưởng phân công.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp đã có những chia sẻ về dấu ấn hoạt động của Viện trong năm 2021, đồng thời cho biết, trong năm 2022, Viện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH và Lãnh đạo Quốc hội tin tưởng phân công.

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Phóng viên: Thưa Viện trưởng, với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong năm 2021 vừa qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Như chúng ta đã biết, năm 2021 là một năm thực sự đặc biệt xét trên nhiều phương diện đối với đất nước ta. Mặc dù làn sóng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động tiêu cực, nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, song với trí tuệ, sự kiên cường và tinh thần Việt Nam, cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hôi đã bền bỉ, nỗ lực vượt qua các làn sóng của đại dịch và gặt hái được nhiều kết quả đặc biệt ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Năm 2021, cũng là năm chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đại biểu biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và hội đồng nhân dân các cấp, là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV và XV.

Trong bối cảnh ấy, Quốc hội khoá XV với tinh thần chủ động, quyết liệt thực hiện chức năng, nhiệm vụ từ sớm, từ xa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện đã đồng hành cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, kỳ họp thứ 2 và đặc biệt cách đây không lâu Quốc hội cũng đã tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều dự án luật và các quyết sách quan trọng được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua hoặc trình Bộ Chính trị thông qua, có thể kể đến như: Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 luật liên quan, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV, Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, các giải pháp đồng bộ, góp cứu trợ về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội; các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với trọng điểm kinh tế lớn…

Hội thảo tham vấn ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025

Trong guồng quay mạnh mẽ ấy, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng như các cơ quan khác của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH đã nỗ lực thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng đoàn, Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH giao, nhất là việc tham gia vào quá trình xây dựng các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Trong năm 2021, Viện đã được giao và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, với yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng, tiến độ như: Báo cáo nghiên cứu “Tác động của đại dịch Covid 19 đối với Việt Nam” và Báo cáo độc lập của chuyên gia về các giải pháp tài khoá, tiền tệ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Đảng đoàn Quốc hội; Chủ trì, phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội tổ chức nhiều Hội thảo, toạ đàm chuyên gia và xây dựng các chuyên đề góp ý trực tiếp vào các dự án luật, nghị quyết được trình ra Quốc hội, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi) Luật Cảnh sát cơ động, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 luật liên quan…Công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu và cung cấp thông tin khoa học lập pháp phục vụ Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội; Công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học (NVKH) trong khối cơ quan Quốc hội; Công tác xuất bản Tạp chí Nghiên cứu lập pháp và các ấn phẩm khoa học lập pháp đều hoàn thành kế hoạch, tiếp tục có những đổi mới về cách thức triển khai nên số lượng và chất lượng tăng lên.

Phóng viên: Một trong những dấu ấn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2021 là sự ra đời của của Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15. Viện trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về tác động của Nghị quyết này?

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Ngày 29/9/2021, UBTVQH thông qua Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp. Đây là lần thứ 3 UBTVQH ban hành nghị quyết về tổ chức, hoạt động của Viện NCLP; trước đó là Nghị quyết số 614 năm 2008 về thành lập Viện và Nghị quyết 05 năm 2015 sửa đổi Nghị quyết 614.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ và quyền vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp.

So với các quy định trước đó, Nghị quyết 05 có những thay đổi quan trọng về cả tổ chức, hoạt động của Viện, tinh thần, thái độ, hiệu quả làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện. Có thể nói không quá rằng, Nghị quyết 05 đã tác động tích cực đến nhiều mặt, làm “hồi sinh” Viện Nghiên cứu lập pháp.

Thông qua việc đánh giá đúng vị trí, vai trò cũng như các hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp đối với hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt tháo gỡ một loạt các nút thắt về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực… nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.

Những định hướng, chỉ đạo đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 05/2021/UBTVQH15 và khẩn trương được hiện thực hoá trong thực tiễn thông qua một loạt các cải cách, đổi mới như: tăng cường và tổ chức linh hoạt các hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các chương trình nghiên cứu, hệ đề tài khoa học, các hoạt động nghiên cứu phải bám sát và phục vụ trực tiếp các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng được trình ra tại các kỳ họp của Quốc hội và UBTVQH, nhất là phải tham gia từ sớm, từ xa và phục vụ trực tiếp các khâu của quy trình lập pháp; tái cấu trúc lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, chuyên nghiệp (như kiện toàn lại Hội đồng khoa học UBTVQH và các Trung tâm nghiên cứu của Viện, tạp chí Nghiên cứu lập pháp …), kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Viện, huy động tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào hoạt động lập pháp, thiết lập mạng lưới khoa học thông qua việc hợp tác Viện Nghiên cứu lập pháp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp (như với Hội Luật gia Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật…)... Nhờ vậy, thái độ, tinh thần, năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện đã có chuyển biến rất tích cực, góp phần quan trọng vào những kết quả hoạt động chung của Viện như đã nêu trên.

Phóng viên: Trong năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ cơ bản nào để tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thưa ông?

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Như chúng ta đã biết, năm 2022 được dự báo sẽ là năm Quốc hội tiếp tục bận rộn với khối lượng công việc khổng lồ đặc biệt là nhiệm vụ lập pháp, rất có thể ngoài 2 kỳ họp thường kỳ sẽ có nhiều hơn các kỳ họp bất thường.

Do vậy, hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp dự báo cũng sẽ bận rộn hơn rất nhiều. Cụ thể, trong công tác chuyên môn Viện sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban tổ chức các hội thảo chuyên gia và xây dựng các chuyên đề góp ý trực tiếp vào các dự án luật quan trọng dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2022, như: Luật Đất đai (sửa đổi) Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cơ sở, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…; tiếp tục tham gia các hoạt động nghiên cứu phục vụ đề án Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội; tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2022 và xây dựng, mở mới các đề tài nghiên cứu năm 2023, trong đó tập trung vào các trọng tâm lớn như hoàn thiện thể chế pháp lý phục vụ yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các công trình nghiên cứu phục vụ 80 năm Quốc hội Việt Nam…

Bên cạnh đó, Viện cũng nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học lập pháp, xuất bản các ấn phẩm, tạp chí Nghiên cứu lập pháp phục vụ hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nhất là các dự án luật, các chương trình, dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, các biện pháp, giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội; các hoạt động giám sát chuyên đề, như “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”…

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, Viện trưởng có điều gì muốn nhắn gửi tới cử tri cũng như những độc giả của Cổng thông tin điện tử Quốc hội?

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đã bước sang những ngày tháng đầu tiên của năm 2022 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Nhâm Dần với những thời cơ và vận hội mới. Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệu vụ được Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH và Lãnh đạo Quốc hội tin tưởng phân công.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự động viên, chia sẻ và đồng hành của cử tri và quý độc giả. Nhân dịp năm mới, xin gửi lời kính chúc cử tri và quý độc giả một năm thật nhiều sức khoẻ, tràn đầy năng lượng, An khang – Thịnh vượng và Thành công.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

Lan Anh