PGS. TS Đinh Anh Tuấn cho biết, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 ngày 23/12/2013 có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 đã làm cơ sở pháp lý cho Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ trong bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/08/2018 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công An đã xác định Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động nằm trong cơ cấu tổ chức trực thuộc Bộ Công An.
Hiện nay, Thông tư số 37/TT-BCA ngày 15/04/2020 của Bộ trưởng Bộ Công An đã quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động; Quyết định số 2868/QĐ-BCA ngày 15/04/2020 của Bộ trưởng Bộ Công An quy định tổ chức bộ máy của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Trước yêu cầu thực tiễn hiện nay, để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhằm phát triển kinh tế đất nước thời kỳ 4.0 cùng với công tác bảo vệ tốt an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì hoạt động pháp chế và cải cách Tư pháp trong Công an nhân dân luôn được quan tâm hoàn thiện. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
PGS.TS Đinh Anh Tuấn cũng cho rằng, những nội dung được xây dựng trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã bám sát, thống nhất với Hiến pháp năm 2013; Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 và hệ thống pháp luật có liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh trật tự.
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Anh Tuấn kiến nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc một số nội dung cụ thể quy định tại dự thảo về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động; Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; … Theo đó, PGS.TS Đinh Anh Tuấn đề xuất, tại Điều 3 cần ghi nhận: Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách, xung kích, nòng cốt thực hiện vũ trang và một số nhiệm vụ của biện pháp nghiệp vụ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Trong hợp tác quốc tế của Cảnh sát quốc tế, lưu ý quy định về Hỗ trợ chuyển giao trang bị, phương tiện, khoa học và công nghệ; tăng cường năng lực công tác chuyên môn của Cảnh sát cơ động;…
Tán thành với quy định tại dự thảo về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động, PGS.TS Đinh Anh Tuấn cho rằng, xuất phát vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động trực thuộc Bộ Công An là lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt được tiến hành biện pháp vũ trang và biện pháp nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc. Do đó, các chức năng chính bao gồm: Tham mưu cho Đảng uỷ Công An Trung Ương và lãnh đạo Bộ Công An về lĩnh vực an ninh, trật tự; xây dựng, tổ chức diễn tập các phương án tác chiến, bảo vệ mục tiêu và trực tiếp tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát nhằm nắm bắt tình hình các tuyến, địa bàn; cơ động chiến đấu, trấn áp kịp thời mọi hành động gây phương hại đến an ninh, trật tự; tổ chức bảo vệ các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt, hội nghị, sự kiện quan trọng; tổ chức quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
PGS.TS Đinh Anh Tuấn cho biết thêm, lực lượng Cảnh sát Cơ động được phân làm hai cấp: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trực thuộc Bộ Công An và phòng Cảnh sát cơ động thuộc Công An tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động là:
Thứ nhất, kịp thời động viên chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần nhằm nâng cao thể hiện năng lực chuyên môn cho Cảnh sát cơ động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành và nhân dân giao phó;
Thứ hai, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối hợp với cảnh sát cơ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ an ninh, trật tự;
Thứ ba, có ý thức giữ bí mật các thông tin, tài liệu của Nhà nước, ngành Công An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với Cảnh sát cơ động;
Thứ tư, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm xây dựng hình ảnh lực lượng cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại;
Thứ năm, đặc biệt Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; cộng tác, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động./.