TS. PHAN DUY AN: ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG LỘ TRÌNH BAN HÀNH LUẬT VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

15/02/2022

Khẳng định việc khai thác, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo đang là nhu cầu thiết yếu của các quốc gia trên thế giới để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, TS. Phan Duy An đề xuất một số định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta hiện nay.

 

Phát triển năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích

Định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo

TS. Phan Duy An cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể: Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; COP 21, Thỏa thuận Paris, Pháp (2015), Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (30/11-11/12/2015); Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là NQ55).

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra rằng: “tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên; chú trọng tới việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo”.

Bên cạnh dó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nhận xét, đánh giá (Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050):

(1) Ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia chưa đầy đủ, quan tâm chưa đúng mức;

(2) Một số vấn đề về phát triển năng lượng chậm được tổng kết cả về lý luận và thực tiễn; chậm giải quyết những vướng mắc về phương hướng phát triển các nguồn năng lượng và cụ thể hoá cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực năng lượng.

(3) Quy định pháp luật của ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, chưa bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thúc đẩy việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh.

(4) Chính sách về đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên năng lượng còn thiếu, chưa đồng bộ. Chính sách khoa học và công nghệ đối với ngành năng lượng chậm đổi mới.

(5) Một số chiến lược, quy hoạch năng lượng chậm được hoàn thiện, chưa sát với tình hình thực tế và nguồn lực thực hiện, chưa thực sự gắn kết với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác.

(6) Bộ máy quản lý nhà nước ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng thiếu ổn định; việc phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu, dự báo còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về năng lượng thiếu quyết liệt.

TS. Phan Duy An nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ để phát triển năng lượng tái tạo được Trung ương đưa ra, đó là đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định...; Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, ...; Hoàn thiện cơ chế và thực hiện chính sách về tiêu chuẩn tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu đầu tư và cung cấp năng lượng; Sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành... liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường. Nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng...; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành đạo luật về năng lượng tái tạo để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và có các quy định đầy đủ, rõ ràng, chi tiết hơn về các biện pháp khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.

Đề xuất xây dựng lộ trình ban hành Luật về Năng lượng tái tạo

Theo TS. Phan Duy An hoàn thiện pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo phải được thực hiện từng bước, cẩn trọng phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật, xã hội, chính trị, trình độ dân trí, tuyệt đối không được nóng vội; và giải quyết được các vấn đề liên quan đến biện pháp kích thích lợi ích kinh tế, đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường....

Về định hướng hoàn thiện, TS. Phan Duy An đề xuất 06 giải pháp cụ thể, bao gồm:

Một là, Nhà nước cần phần thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển năng lực tái tạo thành văn bản pháp luật để thống nhất trong quản lý, điều hành.

Hai là, tôn trọng triệt để các nguyên tắc pháp luật trong quá trình xây dựng luật và thực thi luật.

Yêu cầu trong quá trình xây dựng luật, các văn bản dưới luật, hay trong quá trình áp dụng pháp luật, Nhà nước phải tôn trọng triệt để nguyên tắc pháp luật về kinh tế, môi trường nói chung, pháp luật về phát triển năng lực tái tạo nói riêng, trong đó đặc biệt chú trọng tới nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cái tạo và phục hồi môi trường”“Người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền”, trên cơ sở đó xây dựng các công cụ kinh tế để quản lý môi trường phù hợp với điều kiện phát triển. Quan điểm này cũng là một trong những nhiệm vụ được BCHTƯ nêu tại Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ba là, thống nhất quan điểm phát triển năng lực tái tạo gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, mục phát triển năng lực tái tạo đi đôi với mục tiêu điện khí hóa vùng sâu, vùng xa, nông thôn và hải đảo.

Bốn là, tạo môi trường thuận lợi, ổn định, loại bỏ các rào cản pháp lý (cả về mặt nội dung và hình thức) để phát triển năng lực tái tạo, ví dụ: rào cản về thị trường năng lượng (truyền tải điện, phân phối điện theo quy định Luật Điện lực), rào cản mua bán chứng chỉ giảm phát thải CDM; về tiếp cần nguồn tài chính để hỗ trợ phát triển năng lực tái tạo; về đầu tư các dự án năng lực tái tạo tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…

Năm là, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển năng lực tái tạo, bao gồm nguồn lực trong nước và quốc tế…

Sáu là, củng cố năng lực quản lý nhà nước của các cấp trong việc điều tiết các hoạt động phát triển và sử dụng năng lực tái tạo; xây dựng, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ phát triển năng lượng tái tạo.

TS. Phan Duy An cũng đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật. Trong đó, chú trọng rà soát các quy định về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo đang rải rác ở các Luật có liên quan để đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ...Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong quá trình hoàn thiện pháp luật để phát triển năng lượng tái tạo; nghiên cứu để áp dụng đầy đủ nguyên tắc pháp luật môi trường, kinh tế, cụ thể là các nguyên tắc pháp luật về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo; Khắc phục tình trạng ban hành văn bản được ban hành mang tính chất động viên, khích lệ, thiếu khả thi trên thực tế; tiến hành rà soát, hệ thống hóa lại các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo làm giảm hiệu lực thực thi trên thực tế.

Kiến nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, TS. Phan Duy An cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Điện lực; sửa đổi, bổ sung quy định về thuế, phí và lệ phí; sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu thầu liên quan đến mua sắm công đối với thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo; bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng vốn và hỗ trợ tài chính;

TS. Phan Duy An cũng đề xuất xây dựng lộ trình ban hành Luật về Năng lượng tái tạo. Theo TS. Phan Duy An hiện nay Việt Nam chưa có Luật năng lượng tái tạo, các quy phạm pháp luật liên quan đến năng lượng tái tạo nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau như: Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và các chủ đầu tư dự án phát triển năng lượng tái tạo, việc ban Luật Năng lượng tái tạo, sẽ thể hiện rõ nét quan điểm, chủ trương của Đảng, sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tiếp tục thu hút, đảm bảo đa dạng hóa các loại hình đầu tư vào năng lượng tái tạo./.

Vũ Hà